Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA), hàng hóa phải đáp ứng được các Qui tắc xuất xứ của Hiệp định. Cụ thể, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc Nhật Bản) nếu:
Trường hợp 1: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một Bên; hoặc
Trường hợp 2: Được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên đó từ các nguyên vật liệu có xuất xứ của một hay nhiều Bên, và đáp ứng tất cả qui định khác về Qui tắc xuất xứ; hoặc
Trường hợp 3: Đáp ứng các qui định về hàng hóa có xuất xứ không thuần túy trong trường hợp sử dụng nguyên vật liệu không có xuất xứ
Đối với trường hợp 3, Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy trong Hiệp định được xác định dựa trên các tiêu chí:
- Hàm lượng giá trị nội địa (LVC) không dưới 40%, và công đoạn sản xuất cuối cùng để tạo ra hàng hóa đó được thực hiện tại nước thành viên; hoặc
- Chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 4 số (qui tắc chuyển đổi nhóm-CTH).
Cả hai tiêu chí nói trên này đều dựa vào Biểu phân loại hàng hóa theo Hệ thống phân loại hàng hóa hài hòa (HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Người xuất khẩu sẽ được phép lựa chọn áp dụng một trong hai tiêu chí nói trên để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ của hàng hóa theo Mẫu VJ. Đây là qui tắc chung áp dụng cho mọi chủng loại hàng hóa.
LVC được tính theo công thức:
LVC = (FOB - VNM) / FOB x 100%
Trong đó:
FOB là giá trị hàng hoá đã giao qua mạn tàu, bao gồm cả chi phí vận tải hàng hóa từ nhà sản xuất tới cảng hoặc tới địa điểm cuối cùng để chất hàng lên tàu;
LVC là hàm lượng giá trị nội địa của hàng hóa, được thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm; và
VNM là giá trị nguyên vật liệu đầu vào không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa.
Ngoài qui tắc chung, Phụ lục 2 của Hiệp định VJEPA còn áp dụng qui tắc cụ thể mặt hàng cho một số mặt hàng.
Các tiêu chí này bao gồm việc cho phép áp dụng hàm lượng giá trị gia tăng 40%, chuyển đổi chương, chuyển đổi nhóm có loại trừ chuyển đổi phân nhóm, thực hiện công đoạn gia công chế biến cụ thể, xuất xứ thuần tuý.
Các hàng hóa thuộc Phụ lục này sẽ không được chứng minh xuất xứ theo Trường hợp 3 nói trên mà phải tuân thủ theo qui tắc cụ thể mặt hàng được qui định riêng cho mặt hàng đó.
Trong Phụ lục 2 về Qui tắc cụ thể mặt hàng của Thông tư số 10/2009/TT-BTC thực hiện Qui tắc xuất xứ trong VJEPA, các mặt hàng giày dép được qui định "CC" – nghĩa là tất cả nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm phải trải qua sự chuyển đổi mã HS ở cấp 2 số (chuyển đổi Chương).
Cộng gộp xuất xứ
Giống như nhiều FTA khác, VJEPA cho phép cộng gộp xuất xứ, nghĩa là nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên được sử dụng để sản xuất ra hàng hoá ở nước thành viên khác được coi là nguyên liệu có xuất xứ của nước thành viên nơi diễn ra công đoạn gia công, chế biến hàng hoá đó..
Tỉ lệ không đáng kể (De Minimis)
Hàng hóa thuộc mặt hàng giày dép không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã HS vẫn được coi là có xuất xứ nếu trị giá của tất cả nguyên liệu không có xuất xứ không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa.
Theo : Kinh tế & tiêu dùng