Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Tuần hàng Made in Vietnam: Cơ hội để hàng Việt tiếp tục chinh phục thị trường nội địa
  • 19/10/2020
  Phiên thảo luận tại buổi công bố thông tin về sự kiện “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. (Ảnh: Thanh Tân) 


Ngày 15/10, tại Hà Nội, tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã công bố thông tin về sự kiện “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. Đây là sự kiện lớn đầu tiên được tập đoàn phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND TP. Hà Nội tổ chức.


Sự kiện là hoạt động tiếp nối thành công của 4 sự kiện thường niên Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan (diễn ra liên tiếp từ năm 2016-2019) - do tập đoàn Central Retail tại Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương.

Được tổ chức với quy mô lớn, sự kiện dự kiến thu hút sự tham gia của khoảng 100 gian hàng là các doanh nghiệp đến từ các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như: cà phê, trà, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, dệt may, da giày, balo, túi xách,… quảng bá và trưng bày, bán hàng trực tiếp đến người dùng, đi kèm với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ tạo nên một hoạt động có ý nghĩa góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Sức lan tỏa của hàng Việt

Chia sẻ về sức lan tỏa của Tuần hàng Made in Vietnam tại Hà Nội, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động này đã phần nào gợi mở cho ngành Công Thương xây dựng kế hoạch phát triển, khai thác thị trường nội địa giai đoạn 2021-2025, nâng tầm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lên một tầm cao mới.

Theo bà Nga, trong giai đoạn 10 năm trước, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đạt được về lượng. Đó là tỷ lệ hàng Việt trên các hệ thống phân phối tăng lên rất cao. Đơn cử như tại Big C, tỷ lệ hàng Việt đã đạt con số 96% hàng nông sản thực phẩm là hàng Việt và hơn 90% hàng hóa tiêu dùng. Số liệu của các hệ thống phân phối khác, con số này cũng đạt từ 80-90%. Nhưng hàng hóa đó chất lượng như thế nào, đã thỏa mãn được người tiêu dùng Việt Nam hay chưa? Trong khi đó, người Việt Nam có nhu cầu được sử dụng các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng tốt nhất.

“Mong muốn rằng Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' giai đoạn 2021-2025 tới đây của chúng tôi sẽ đi theo hướng hàng phân khúc tốt nhất phục vụ người tiêu dùng trong nước, để hàng Việt Nam chinh phục người Việt”, bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Được biết, điểm đặc biệt của sự kiện “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” lần này là cách trình bày hàng hóa mang đậm bản sắc Việt với nón lá, mái đình chùa, cầu Long Biên… Đó là cách tiếp cận người tiêu dùng văn hóa nhất, thổi hồn vào các sản phẩm bằng các tinh hoa Việt Nam, những giá trị văn hóa trường tồn với lịch sử để chinh phục người Việt.

Sự kiện cũng sẽ tiếp cận với Cách mạng Công nghiệp 4.0 khi có các hoạt động online và offline để dù tổ chức ở Việt Nam những vẫn có thể tiếp cận được người tiêu dùng toàn cầu. Theo đó, không chỉ giới thiệu đến 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam mà còn với 7 tỷ người tiêu dùng toàn cầu thông qua hệ thống tham tán thương vụ Việt Nam cũng như 4 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Phương- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam chia sẻ, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam chiếm 90% trong mảng phân phối hàng hóa. Như vậy, bản thân hàng Việt đã có sức lan tỏa và có chỗ đứng nhất định trong lòng người Việt.

Tuần hàng “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” kỳ vọng sẽ giúp nâng tầm giá trị sản phẩm hàng Việt, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Central Retail muốn tổ chức Tuần hàng Made in Việt Nam với các sản phẩm chất lượng nhất, những sản phẩm chủ yếu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu thì nay sẽ quay trở lại thị trường nội địa”, bà Phương cho hay.

Cơ hội để nông sản Việt chinh phục thị trường nội địa

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả những hành vi tiêu dùng, thay đổi cả phương thức phục vụ thương mại nông sản và thay đổi cả cách tiếp cận với thị trường.

"Chính vì những lý do đó, cần phải thôi thúc những hoạt động tôn vinh hàng nông sản ngay chính trên mảnh đất của chúng ta, đúng với tinh thần 'Made in Vietnam', 'Make in Vietnam' và làm thế nào để ngành nông sản ngày càng nâng cao được nhiều giá trị", ông Toản đề xuất.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toàn, bất chấp khó khăn do dịch Covid-19 trên thế giới, xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 quý vừa qua đạt hơn 30,05 tỷ USD. Dự báo cả năm, toàn ngành nông nghiệp sẽ đem về 41 tỷ USD từ xuất khẩu.

Trong những năm tới, ông Toản cho rằng phải quyết liệt hơn nữa ở mọi khâu để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng giá trị kim ngạch, đồng thời phải có sự chung tay giữa doanh nghiệp và bà con nông dân để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước cũng như nâng tầm cho hàng Việt tại thị trường quốc tế.

Là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu tham gia sự kiện lần này, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, từng đi nhiều nơi, tham quan nhiều siêu thị ông nhận thấy hoa quả Việt vẫn chưa được "chăm sóc" tốt như hoa quả ngoại nhập khi các quầy hàng bán hoa quả Việt được bày biện khá sơ sài. "Điều này khiến tôi cảm thấy không công bằng với hoa quả Việt", ông chia sẻ.

Để giúp hoa quả Việt chinh phục người tiêu dùng trong nước, Công ty Vina T&T đã quyết định đầu tư vào chuỗi bán lẻ trong nước chuyên bán hoa quả Việt Nam.

"Thị trường trong nước rất lớn. Chất lượng hoa quả cũng là một tinh hoa của Việt Nam. Tham gia Tuần hàng, tôi kỳ vọng, người tiêu dùng trong nước sẽ được sử dụng các sản phẩm hoa quả Việt Nam tiêu chuẩn xuất khẩu. Khi mở cửa hàng hoa quả trong nước, tôi nhận thấy người tiêu dùng trong nước rất muốn tiêu thụ hoa quả Việt Nam khi có xuất xứ rõ ràng, chứ không phải quan điểm hàng ngoại tốt hơn hàng nội", ông Tùng nói.

 Theo : baoquocte.vn

Tin tức liên quan