Theo đánh giá của các đại biểu, dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp ở cấp độ khác nhau giữa các quốc gia. Những thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là rất đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân và tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế. Những giải pháp về chính sách trước mắt và lâu dài để phục hồi và phát triển kinh tế là rất quan trọng, cần nhanh chóng được thực hiện đúng, trúng và hiệu quả.
“Nhiều ý kiến cho rằng, sau đại dịch, việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là xu hướng đang dần được hiện thực hóa. Việt Nam đã ngăn chặn thành công đại dịch, vì vậy, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để hoạch định chính sách, để phát triển bao trùm và bền vững hơn”, ông Akira SHIMIZU, Trưởng đại diện Jica tại Việt Nam cho biết.
Kết quả điều tra doanh nghiệp do Đại học kinh tế quốc dân và nhóm nghiên cứu của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica thực hiện từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10/2020 cho thấy, có khoảng 30% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, 10% phải dừng hoạt động. Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ là nặng nề nhất. Trong khi đó, có đến 80% doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ. 2 lý do chính dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện và không có thông tin về chính sách. Các doanh nghiệp cho rằng, nhiều chính sách được đánh giá không có tác động như kỳ vọng như: Gói hỗ trợ chi phí logistic, cải cách hành chính. Về gói hỗ trợ lần 2, các doanh nghiệp kỳ vọng lớn về việc tiếp tục hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là các gói tạm dừng đóng bảo biểm xã hội, giảm tiền thuê đất và hỗ trợ các chi phí khác.
“Chúng ta đã có nhiều chính sách, chính sách đúng nhưng thực hiện kém hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, chính sách của chúng ta chưa thực sự phù hợp, cần phải được điều chỉnh thì mới thực hiện và đi vào cuộc sống được”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đức Thọ, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nêu ý kiến.
Theo kiến nghị của các đại biểu, việc hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cần tập trung hơn vào các giải pháp cụ thể như: nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi vay, miễn giảm thuế, phí, giảm bảo hiểm xã hội hay giảm các chi phí hạ tầng. Cần phân loại, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp để hỗ trợ. Chú trọng các doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt để vượt lên sau dịch. Các gói hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về đối tượng được hưởng chính sách, giảm bớt thủ tục phiền hà để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn./.
Theo : vov.vn