Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Thị trường lao động yếu là trở ngại lớn cho phục hồi kinh tế
  • 14/10/2020
 
Việt Nam được dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong khối ASEAN trong năm 2020, tuy nhiên thị trường việc làm suy yếu có thể là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế.

Báo cáo kinh tế của khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC mới đây đã đưa ra dự báo mới về tình hình tăng trưởng GDP tại Việt Nam trong năm 2020 dưới tác động của dịch Covid-19 ở mức 2,6%, mức cao nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng quan ngại tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh lên 2,7% trong quí 2 vừa qua, đi kèm với tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ, ở mức 4,5%, sẽ là một bất lợi đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Quản lý nhà nước về di chuyển lao động có kỹ năng trong khu vực ASEAN | Tạp chí Quản lý nhà nước

Thị trường việc làm suy yếu có thể là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam. 

Theo đó, đã có nhiều lao động mất việc làm trong các lĩnh vực như sản xuất hàng dệt may, cũng như các dịch vụ liên quan đến du lịch. Tiền lương của người lao động cũng bị ảnh hưởng khi giảm 2,8% so với cùng kì trong quí 2 vừa qua, so với mức tăng trưởng trung bình 15% so với cùng kỳ vào năm 2019. Trong khi nền kinh tế có khả năng chạm đáy trong quí 2, theo phân tích của HSBC, điều tồi tệ nhất trên thị trường lao động có thể sẽ xảy ra với một độ trễ nhất định, có thể là trong các quí tiếp theo.

“Với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, chúng ta cũng có thể sẽ thấy áp lực giảm đối với tiền lương, điều này sẽ kìm hãm chi tiêu cá nhân”, báo cáo chỉ ra.

Thêm vào đó, nhu cầu thế giới giảm tiếp tục là một rủi ro đối với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Đặc biệt liên quan đến ngành dệt may và da giày khi các đơn hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, làn sóng Covid-19 thứ hai vào tháng 7 có khả năng sẽ khiến chính phủ áp dụng chính sách thận trọng hơn đối với việc mở cửa biên giới, do đó du lịch có thể sẽ phải chịu những thách thức liên tục cho đến khi có vắc xin phòng ngừa hiệu quả.

Trong khi đó, theo báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quí 3 của Tổng cục Thống kê (TCTK), sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quí 2, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước.

Tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.

Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 83 ngàn đồng). Thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành đều giảm. Trong đó, giảm nhiều nhất ở các ngành: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 6,5%), dịch vụ lưu trú ăn uống (giảm 5,9%), vận tải kho bãi (giảm 4,9%). Bên cạnh đó, một số ngành có thu nhập tăng như thông tin truyền thông (tăng 1,7%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 3,3%).

Theo đánh giá của TCTK, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng cao nhất trong vòng 10 năm qua đã làm chậm khả năng khai thác nguồn nhân lực dồi dào cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.

Cơ quan này theo đó khuyến nghị các chính sách hỗ trợ cần tiếp tục tập trung vào lực lượng lao động nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, phải tăng cường việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19.

 Theo : doanhnghiephoinhap.vn

Tin tức liên quan