Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải |
Thời gian qua, châu Mỹ liên tục đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất trong các đối tác của Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng thúc đẩy trao đổi thương mại đôi bên trong thời gian tới?
- Như chúng ta biết, châu Mỹ là một thị trường rộng lớn với dân số hơn 1 tỷ dân. Hiện nay, hợp tác thương mại giữa Việt Nam - châu Mỹ có nhiều dấu hiệu khả quan. Đây cũng là một thị trường hết sức tiềm năng.
Châu Mỹ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam, là một trong những thị trường XK và nhà đầu tư lớn nhất. 8 tháng năm 2020, trị giá XNK song phương đạt 69,26 tỷ USD, tăng 11,83%. Trong đó, XK đạt 54,94 tỷ USD, tăng 15,94%; NK đạt 14,33 tỷ USD, giảm 1,54%. Tính đến hết tháng 8/2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD; chiếm 4,71% số dự án và 6% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.
Mỹ là thị trường XK chủ lực và cũng là quốc gia châu Mỹ có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam và Mỹ đã và đang triển khai nhiều hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nói chung gồm: Thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí; xây dựng và cung cấp các thiết bị nhà máy nhiệt điện; phát triển điện gió; hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực chuyên sâu... |
Trong năm 2019, kim ngạch thương mại với các nước châu Mỹ đạt 97 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch quan hệ hợp tác của Việt Nam với thế giới. Trong đó, XK đạt 73 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch XK. Hiện nay, những mặt hàng có thế mạnh XK của Việt Nam như: Điện tử, các linh kiện điện tử, gỗ và các sản phẩm gỗ cũng như mặt hàng nông sản, thực phẩm và rất nhiều các mặt hàng khác của Việt Nam có thể có chỗ đứng vững chắc và được người tiêu dùng của châu Mỹ đón nhận.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tham dự rất nhiều các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)... và cũng đã ký kết trực tiếp các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước tại châu Mỹ như FTA với Chile, gần đây nhất là với Cuba. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong CPTPP có 4 quốc gia thuộc châu Mỹ (Peru, Chile, Canada, Brazil)... Đây là những cơ hội rất lớn đối với Việt Nam nói chung, đặc biệt là với các DN Việt Nam, nếu biết chớp cơ hội đưa được sản phẩm có thế mạnh, có chất lượng vào thị trường hết sức rộng lớn này.
Bên cạnh cơ hội, xin Thứ trưởng cho biết đâu là những khó khăn, trở ngại khi thúc đẩy giao thương với thị trường này?
- Khi làm ăn với thị trường châu Mỹ có một số trở ngại, trong đó phải tính đến khoảng cách xa xôi về địa lý. Hiện nay chưa có các hãng vận tải chuyển thẳng từ Việt Nam tới các quốc gia vùng châu Mỹ. Ngoài ra, một trở ngại hết sức lớn với DN Việt Nam là ngôn ngữ. Trên thực tế, ngôn ngữ tiếng Anh vốn đã là trở ngại, trong khi đó ngôn ngữ tại khu vực châu Mỹ chủ yếu lại dùng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nên trở ngại DN đối mặt càng lớn.
Để hỗ trợ DN thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Hỗ trợ DN có thể thâm nhập sâu vào thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương đã tổ chức rất nhiều hoạt động để phổ biến kiến thức về thị trường, về sản phẩm. Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho DN tổ chức các đoàn sang khảo sát thị trường, gặp gỡ đối tác tại các sự kiện xúc tiến thương mại cũng như trực tiếp gặp gỡ các DN của các nước trong khu vực châu Mỹ để có thể thúc đẩy mối quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước.
Hiện nay, thị trường châu Mỹ rất chuộng mặt hàng thực phẩm, đồ uống, trái cây... của Việt Nam. Tuy nhiên, hàng Việt vẫn đang gặp khó khăn trong việc kiểm dịch, tức là những quy định tại các quốc gia này. Do vậy, trong khuôn khổ của các Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ giữa Việt Nam với các nước; trong các cuộc làm việc với sự tham gia của nhiều bộ, ngành khác như Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ..., Bộ Công Thương cũng đã trao đổi với các cơ quan chức năng của các quốc gia tại khu vực châu Mỹ để tìm cách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường này.
Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng có lưu ý gì tới các DN để quá trình thúc đẩy XK vào thị trường châu Mỹ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới?
- Ngoài sự hỗ trợ của các bộ, ngành, các DN Việt Nam cũng cần phải chú trọng, đẩy mạnh hơn nữa những mặt hàng có thế mạnh về XK như: Các mặt hàng điện tử, các linh kiện điện tử, mặt hàng đồ gỗ và các sản phẩm gỗ, các sản phẩm nông sản và may mặc, da giày...
Bên cạnh đó, DN cũng cần tiếp tục tìm thêm những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam mà hiện nay đã XK sang các nước khác rất tốt, kể cả những thị trường rất "khó tính" như EU, Nhật Bản nhưng đối với thị trường châu Mỹ mới chỉ bước đầu thâm nhập.
Ngoài ra, lĩnh vực về công nghệ thông tin, máy tính, linh kiện điện tử cũng là những mặt hàng tiềm năng. Chúng tôi rất mong muốn các DN trong lĩnh vực về công nghệ thông tin cần chủ động và thúc đẩy mạnh hơn nữa trong các hoạt động của mình để tăng kim ngạch XK trong lĩnh vực này.
Với sự năng động của DN Việt Nam và sự hỗ trợ của các cơ quan, của Chính phủ Việt Nam, trong đó các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp hết sức quan trọng, chắc chắn mặt hàng của Việt Nam khi vào thị trường châu Mỹ sẽ được phát triển và có chỗ đứng sâu hơn nữa; nâng cao vị thế, thương hiệu của sản phẩm Việt Nam cũng như thúc đẩy kim ngạch XK từ Việt Nam sang thị trường châu Mỹ.
Theo : haiquanonline.com.vn