Bà Victoria Kwakwa, phó chủ tịch khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB nhận xét, sự đứt gãy thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu là hệ quả tất yếu khi các nền kinh tế lớn đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu lại là những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19, ví dụ như Mỹ, Trung Quốc, hay EU.
"Covid-19 tạo ra những cơn gió ngược rất mạnh, đẩy suy thoái toàn cầu xuống sâu hơn, hàng hoá trung gian giữa các quốc gia và dòng vốn FDI cũng sẽ thay đổi", bà Kwakwa nói.
Bà lý giải thêm, sự đứt gãy trong mạng lưới sản xuất toàn cầu còn đến từ yếu tố địa lý khi cứ điểm sản xuất của chuỗi cung tập trung chủ yếu ở một vài quốc gia. Số liệu từ Harvard Business Review cho thấy có hơn 1.000 công ty hoặc nhà cung ứng lớn nhất thế giới sở hữu hơn 12.000 cơ sở (nhà máy, nhà kho, cơ sở sản xuất) tại các khu vực phải chịu cách ly, hầu hết ở Trung Quốc.
Theo dữ liệu của WB, thương mại toàn cầu đang ở giai đoạn tồi tệ nhất của nhiều thập niên, hệ quả của đợt suy thoái này xếp thứ tư trong tổng số 14 đợt suy thoái từng diễn ra trên thế giới, trong khi GDP ước tính giảm 5,2% là mức suy thoái sâu nhất trong 8 thập niên qua.
Thương mại hàng hoá thế giới có thể giảm từ 12-32% khi kết thúc năm 2020 (tuỳ theo kịch bản lạc quan hay bi quan), đồng thời dòng vốn FDI đổ vào các quốc gia đang phát triển dự kiến sẽ giảm hơn 40% trong năm nay.
Tiến sĩ Jacques Morriset, giám đốc chương trình kinh tế vĩ mô - thương mại và đầu tư của WB tại Việt Nam cho rằng trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, Việt Nam dù chịu những ảnh hưởng nặng của đại dịch nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy có nhiều dư địa để "làm tốt hơn nữa" nhằm tận dụng những cơ hội mà đại dịch tạo ra.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 16 tỉ USD trong nửa đầu năm 2020, tương ứng giảm 15% so với cùng kỳ 2019 - nhưng vẫn tốt hơn đáng kể so với mức giảm trung bình 30-40% trên toàn cầu năm 2020, theo ước tính của UNTAD. "Tôi cho rằng Việt Nam đã có những kết quả ban đầu khá tốt so với phần còn lại của thế giới, điều này sẽ là đòn bẩy để Việt Nam lội ngược dòng ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19," bà Kwakwa nhận định.
Tuy nhiên, về dài hạn, các diễn giả đều đưa ra quan điểm Việt Nam "dù cởi mở và đúng hướng nhưng vẫn đang đi sau so với các quốc gia khác trong khu vực". Tiến sĩ Kwakwa chỉ ra nút thắt lớn nhất đối với Việt Nam là chưa tham gia sâu vào ngành công nghiệp chế biến - chế tạo.
Sự tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu còn hạn chế, vẫn còn thấp so với các nước ngay trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia hay Philippines. Việt Nam đã tạo ra khoảng 20,8 tỉ USD thông qua việc tham gia vào chuỗi giá trị, chưa tới 1/4 tổng giá trị tạo ra của Philippines (84,8 tỉ USD) - quốc gia xếp trên Việt Nam 1 bậc trong khu vực.
Kinh tế trưởng Jacques Morriset của WB cũng cho rằng thương mại Việt Nam đang tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm và doanh nghiệp.
Cụ thể, 4 sản phẩm chiếm tới 2/3 kim ngạch thương mại của Việt Nam là dệt may, điện tử, hoá chất và kim loại. Tương tự, xuất khẩu của Việt Nam sang 4 thị trường lớn nhất (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã chiếm tới 60% tổng kim ngạch.
Cuối cùng, 70% mức thặng dư thương mại giữa Việt Nam với thế giới đến từ đóng góp của 4 "ông lớn" gồm Samsung, Intel, Panasonic và Foxconn. Việt Nam còn đối mặt với tỷ lệ nội địa hóa sản xuất ở mức thấp.
Các chuyên gia khuyến nghị rằng trong trung và dài hạn, chính phủ Việt Nam nên có những cải cách dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa công - tư để chủ động thu hút các nhà đầu tư khi họ tìm kiếm cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc để đa dạng chuỗi cung toàn cầu.
Hai nhân tố quan trọng cần ưu tiên là đào tạo lao động chất lượng cao và xây dựng hạ tầng kết nối cả xuôi lẫn ngược. Cụ thể, chính phủ cần thúc đẩy giáo dục và đào tạo sau phổ thông cao hơn, để tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng và trình độ cao nếu muốn vượt ra khỏi mức độ lắp ráp các sản phẩm.
Đối với hạ tầng kết nối, thiết lập một mạng lưới liên kết xuôi và ngược - tăng thêm số lượng nhà cung ứng lẫn nhà phân phối nội địa trong quá trình tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Covid-19 tạo ra những thay đổi chưa từng có trong thương mại toàn cầu. Không riêng gì Việt Nam, mà các quốc gia khác trên thế giới sẽ phải đưa từ khoá "dẻo dai, linh hoạt" (resilience) vào hệ thống chính sách để phục hồi sức khoẻ nền kinh tế và chuẩn bị tốt hơn cho những biến động khó đoán định trong tương lai.
Theo : forbesvietnam.com.vn