FORBES VIỆT NAM: Xin ông chia sẻ đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến ngành và công ty trong sáu tháng đầu năm 2020?
Ông DIỆP THÀNH KIỆT: Tác động của Covid-19 tới ngành dệt may có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều dự trữ nguyên liệu, vật tư sản xuất từ 4-6 tuần nên chưa gặp khó khăn trong sản xuất. Tuy nhiên do dịch lây lan mạnh ở Trung Quốc, đặc biệt ở những tỉnh cung cấp nhiều nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng ở cung đầu vào.
Nhưng tác động của Covid-19 vào giai đoạn thứ hai tính từ đầu tháng 3 thật sự nặng nề, khi làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh tại EU và Mỹ, hai thị trường nắm đến 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành thời trang Việt Nam. Việc gián đoạn thị trường tiêu thụ khiến ngành xuất khẩu Việt Nam nói chung và ngành da giày, túi xách Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề.
FORBES VIỆT NAM: Các doanh nghiệp đã có những giải pháp sáng tạo gì để vượt qua khó khăn vừa qua, thưa ông?
DIỆP THÀNH KIỆT: Thị trường tiêu thụ trong những tháng có sự sụt giảm rất mạnh. Có những thị trường, những nhãn hàng giảm tới 60-70%. Thật sự doanh nghiệp khó có thể đưa ra giải pháp nào trước cuộc khủng hoảng nặng nề như hiện nay. Một số doanh nghiệp quay vào sản xuất hàng cho thị trường nội địa nhưng năng lực toàn ngành là trên 1,1 tỉ đôi giày và gần 400 triệu ba lô túi xách cho các loại thị trường tiêu thụ.
Thị trường Việt Nam không thể hấp thụ con số này, chưa kể sức mua ở thị trường nội địa cũng đang suy yếu. Một số nhà máy chuyển sang sản xuất khẩu trang, nhưng số này không nhiều và giá trị đơn hàng cũng không lớn để có thể bù đắp được những “mất mát”.
Tuy nhiên, vẫn có những cơ sở lạc quan. Dù đơn hàng từ các nước bị giảm sút nặng nề, nhưng khách hàng vẫn cần tìm kiếm quốc gia an toàn, có thể sản xuất và giao hàng được. Do vậy, dù chúng ta rất chật vật để tìm giải pháp vượt qua khó khăn, nhưng nhờ vào thành quả kiểm soát được dịch của Chính phủ nên đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam có tỷ lệ giảm thấp hơn so với các quốc gia cạnh tranh khác.
FORBES VIỆT NAM: Ông có thể cho biết, bạn hàng chia sẻ như thế nào với đối tác tại Việt Nam. Dự báo đơn hàng sáu tháng cuối năm ra sao, thưa ông?
DIỆP THÀNH KIỆT: Theo dự báo ban đầu của LEFASO khi chưa bùng phát đại dịch Covid-19, ngành da giày và túi xách Việt Nam năm nay có thể đạt trên 22 tỉ USD giá trị xuất khẩu, tăng trưởng trên 10% so với năm 2019. Trong quý I..2020 thực tế ngành đã tăng trưởng trên 10%. Nhưng Covid-19 khiến doanh thu xuất khẩu trong tháng 4 sụt giảm mạnh.
Quý II xuất khẩu của ngành bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước; quý III có thể khá hơn, đạt khoảng 60% cùng kỳ. Quý IV, dự báo một số khách hàng chuẩn bị cho mùa nghỉ lễ nên đơn hàng có thể tăng lên, kỳ vọng khoảng 60-70% so với năm ngoái. Như vậy, tính cả năm nay, giá trị xuất khẩu ngành da giày và túi xách dự báo đạt khoảng 75-80% so với năm trước. Con số này cũng trùng khớp với con số dự báo ngành giày thế giới sẽ sụt giảm giá trị 22,5% trong năm nay.
FORBES VIỆT NAM: Vừa qua, chính phủ đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020, giảm lãi suất cho vay... Thực tế việc này đã triển khai đến các doanh nghiệp ra sao, thưa ông?
DIỆP THÀNH KIỆT: Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có hai gói hỗ trợ lớn. Một là gói 280.000 tỉ, chủ yếu cho vay vốn giảm lãi suất. Hiện nay, lãi suất của nhiều ngân hàng đã chỉnh giảm khoảng 1-2%/năm nhưng thực sự chưa giúp ích nhiều cho doanh nghiệp.
Thứ hai là điều kiện vay. Các doanh nghiệp không có đơn hàng, không có nhu cầu mua vật tư, do đó nhu cầu tín dụng cũng giảm. Nhưng vay để trả lương nhân viên lại không nằm trong gói hỗ trợ này. Cho nên, việc tiếp cận gói vay này đối với doanh nghiệp da giày là không hiệu quả. Theo tôi biết, đến giờ hầu như chưa doanh nghiệp da giày túi xách nào nhận được sự hỗ trợ từ gói này cả.
Về gói thứ hai 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động theo quyết định 15/2020 của Thủ tướng. Theo đó, điều kiện để người lao động được hưởng là họ phải làm việc trong doanh nghiệp không có doanh thu (kết dư nợ của doanh nghiệp vào 31.3.2020) và không có nguồn tài chính để trả lương.
Đối với doanh nghiệp da giày, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ chủ yếu đến từ sau tháng 3. Nghĩa là, trong tháng 2, tháng 3 thậm chí là tháng 4, doanh nghiệp vẫn xuất được hàng. Cho nên, gói này cũng không khả thi với người lao động làm việc trong ngành da giày, túi xách, dù họ vẫn bị dừng hoặc tạm hoãn hợp đồng.
FORBES VIỆT NAM: Trong quá trình thử nghiệm tìm nguồn cung khác bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, ông nhìn thấy cơ hội nào cho Việt Nam trong việc gia tăng tỉ trọng nguồn cung nguyên liệu đầu vào nội địa?
DIỆP THÀNH KIỆT: Sau thương chiến Mỹ – Trung bùng phát năm 2018, Mỹ đã áp thuế rất cao cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sản phẩm da giày và túi xách nhập từ Trung Quốc vào Mỹ vốn bị áp mức thuế suất khá cao (mức MFN), nay bị cộng thêm 25% so với mức này. Do đó, việc di chuyển của các thương hiệu từ Trung Quốc đã diễn ra dần dần từ năm 2019.
Covid-19 khiến Mỹ, EU, Nhật Bản bị đứt chuỗi cung từ Trung Quốc, do vậy họ đã vạch ra những kế hoạch với quyết tâm cao hơn nhằm di dời những chuỗi cung ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam được xem như là một điểm đến đầu tiên mà nhiều thương hiệu nhắm đến.
Sau khi EVFTA được phê chuẩn vừa qua, hiện chúng ta có tổng cộng 13 hiệp định thương mại tự do với các nước, với tổng dân số chiếm tới 60% dân số trên toàn cầu và có độ phủ rộng gần 62% tổng thương mại toàn cầu. Đây là cơ hội cực kỳ lớn để chúng ta có thể tiếp nhận những sự chuyển dịch của những chuỗi cung từ các nước.
FORBES VIỆT NAM: Hiệp định CPTPP và EVFTA dành các ưu đãi với sản phẩm có quy tắc xuất xứ. Theo ông, bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp của ngành có thể hưởng ưu đãi từ các hiệp định này?
DIỆP THÀNH KIỆT: Đối với ngành túi xách: điều kiện để doanh nghiệp hưởng ưu đãi của cả hai hiệp định CPTPP và EVFTA là doanh nghiệp chỉ cần cắt, may, đóng gói (CMT) trong nước là được, các nước không quan tâm đến vật tư. Ngành túi xách là ngành được hưởng ưu đãi cao nhất từ hai hiệp định trên, thuế suất bằng 0 ngay lập tức mà không đòi hỏi giá trị về nguyên phụ liệu.
Đối với ngành da giày, để hưởng ưu đãi của hiệp định CPTPP, giá trị nguyên liệu vùng (gồm từ Việt Nam và các nước trong CPTPP cộng lại) phải trên 45%. Với tỉ lệ này, gần như tất cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam lớn đã tham gia sản xuất trong chuỗi cung của các nhãn hàng lớn đều đủ sức đáp ứng do khả năng nội địa hóa ngành giày Việt Nam hiện đạt khoảng 50%.
Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ không nằm trong các chuỗi cung này có thể khó đáp ứng được vì hạn chế trong việc tiếp cận với các nhà máy nguyên liệu FDI, một mặt do có những loại nguyên liệu độc quyền không bán ra ngoài chuỗi, mặt khác, do doanh nghiệp đặt hàng số lượng nhỏ, nhà cung ứng không đáp ứng. Với EVFTA, chúng ta có lợi thế là sự tiếp nối của việc thực hiện quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ EU, những điều kiện để đáp ứng EVFTA giống với các điều kiện đáp ứng GSP trước đây.
Theo thông tin của bộ Công Thương, các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam đã đáp ứng trên 98% điều kiện xuất xứ khi thực hiện GSP, do vậy tôi tin rằng hầu hết doanh nghiệp sẽ có thể đáp ứng điều kiện của EVFTA.
FORBES VIỆT NAM: Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút đầu tư do quá trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ông nhìn thấy sự kiện này tác động như thế nào tới chuỗi giá trị của ngành da giày Việt Nam?
DIỆP THÀNH KIỆT: Những tác động tích cực có thể nhìn thấy là tăng đơn hàng, tạo thêm công ăn việc làm, thêm nhiều cơ hội cho đất nước phát triển, doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một số mặt tiêu cực có thể xảy ra như sau.
Thứ nhất, sẽ xuất hiện cạnh tranh lao động, từ đó dẫn đến chi phí nhân công tăng, ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của sản phẩm từ Việt Nam. Thứ hai, áp lực lên những hạ tầng có phần hạn chế của Việt Nam như điện, nước, logistics.
Nếu bùng nổ sự di chuyển hàng loạt các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, rõ ràng, sẽ dẫn đến cạnh tranh các nguồn lực làm cho chi phí sản xuất tăng lên, có thể gây nên sự tắc nghẽn các hạ tầng, làm quá tải hệ thống phục vụ cho sản xuất nếu chúng ta không có sự chuẩn bị tốt cho sự tăng trưởng nhanh như vậy.
FORBES VIỆT NAM: Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để có thể tận dụng được cơ hội lớn này?
DIỆP THÀNH KIỆT: Với ngành thời trang nói chung và da giày nói riêng, yếu tố số một cần chuẩn bị để tận dụng cơ hội lớn từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam vẫn là phát triển công nghiệp phụ trợ. Mặc dù chính phủ có nghị định 111/2015/ NĐ-CP về công nghiệp phụ trợ nhưng tác động của nghị định này vào đời sống kinh tế là không lớn.
Giải pháp thứ hai là phải nâng cao năng lực quản trị của các doanh nghiệp trong nước cũng như cải cách nền kinh tế. Gần đây cơ quan quản lý ban hành nghị định 74/2018/NĐ-CP quy định về kiểm soát mã số, mã vạch. Trong thực tế đây là một trong những ví dụ về chính sách gây ra sự tắc nghẽn cho xuất khẩu.
Nếu các nhà nhập khẩu cung cấp mã số, mã vạch sai hoặc gian dối cho doanh nghiệp Việt Nam thì họ phải là người chịu trách nhiệm với Chính phủ và người tiêu dùng của họ. Chính phủ Việt Nam không nên và cũng không thể kiểm soát mã số mã vạch của các doanh nghiệp đặt hàng có hợp pháp hay không. Do vậy, để chớp các cơ hội lớn, không chỉ có doanh nghiệp mà cả quy định cũng phải thay đổi cho phù hợp.
Giải pháp kế tiếp là cần khuyến khích mở rộng các vùng sản xuất ra xa khu vực TP.HCM và các khu kinh tế trọng điểm khác do chi phí nhân công ở các khu này ngày càng cao, đất ngày càng thu hẹp và làn sóng dịch chuyển sản xuất hiện nay cũng chính là cơ hội để chúng ta làm điều này. Những đầu tư có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghệ cao, cần ít lao động nên tập trung ở các khu kinh tế trọng điểm như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng…
Những ngành kinh tế thâm dụng lao động nên đưa ra xa hơn. Nhưng khi dịch chuyển sản xuất ra các địa phương xa, các nhà đầu tư gặp phải vấn đề hạ tầng và logistics, Chính phủ dự kiến triển khai nhiều dự án đường cao tốc, nhưng triển khai chậm và như vậy cũng sẽ làm mất đi các cơ hội.
FORBES VIỆT NAM: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể đón các dòng vốn FDI chất lượng, giúp nâng tầng giá trị trong chuỗi giá trị của ngành?
DIỆP THÀNH KIỆT: Đầu tiên, cần xác định các kịch bản để tiếp nhận. Tôi cho rằng có ba kịch bản. Kịch bản thứ nhất là tiếp tục nhận phần hạ nguồn (downstream) chủ yếu làm lắp ráp, gia công, chế biến như hiện nay. Ưu điểm của kịch bản này là việc mở rộng khá nhanh chóng, vốn đầu tư thấp, xoay vốn nhanh.
Tuy nhiên về lâu dài sẽ có hại cho đất nước vì giá trị gia tăng thấp và khi giá nhân công của Việt Nam lên cao, điều kiện cạnh tranh không còn phù hợp thì người ta sẽ bỏ mình. Do vậy, đây là kịch bản dễ, nhưng không nên khuyến khích. Kịch bản tiếp nhận thứ hai là dựa vào thực lực của Việt Nam, có tính một phần đến kế hoạch lâu dài của đất nước.
Việc tiếp nhận sẽ trong khả năng “sức chịu” của nền kinh tế và có tính một phần dài hạn, chúng ta không để các nhà đầu tư phải chờ 5 – 10 năm sau khi chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ mới mời họ vào. Kịch bản này phù hợp hơn với năng lực Việt Nam: đòi hỏi trình độ lao động trong nước vừa phải, giá trị gia tăng thấp kết hợp giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, nhược điểm của kịch bản này là dễ đẩy đất nước vào sự manh mún, Việt Nam là nước không lớn, nhưng lại đầu tư nhiều ngành nghề và ở nhiều cung bậc sẽ dễ dẫn đến sự phân tán nguồn lực. Vấn đề đặt ra là đến nay chúng ta chưa có các báo cáo đầy đủ về những thế mạnh của các ngành nghề trong nước, vì thế sẽ khó xác định cái gì nên làm và không nên làm.
Kịch bản tiếp nhận thứ ba là “dựa vào chiến lược phát triển lâu dài của đất nước, căn cứ vào giá trị mang lại của từng chuỗi cung ứng, Việt Nam sẽ mạnh dạn chọn những chuỗi cung chiến lược có giá trị gia tăng cao, bền vững, từ đó có chính sách khuyến khích và đầu tư mạnh vào để giúp đất nước cất cánh nhanh”.
Đây một kịch bản có tính kỳ vọng cao, nhưng có thể nói rằng thời điểm này là cơ hội vàng để thực hiện kịch bản này. Ưu điểm của kịch bản này là sẽ chọn được những chuỗi cung chiến lược giá trị gia tăng cao, giúp đất nước thoát bẫy thu nhập trung bình, nhanh chóng gia nhập các nước công nghiệp phát triển, điều sẽ khó thực hiện trong điều kiện bình thường.
Nhưng nhược điểm của kịch bản thứ ba là hiện chúng ta chưa có đánh giá nào cho thấy ngành nào, chuỗi cung ứng nào sẽ là ưu tiên để lựa chọn, nếu chọn sai thì sẽ ra sao. Nhược điểm thứ hai của kịch bản này là đòi hỏi một sự đầu tư lớn cả về hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, con người và các nguồn lực phục vụ khác mà hiện nay có thể chúng ta cũng chưa có sự tính toán đầy đủ.
(*) Bản in theo tạp chí Forbes Việt Nam số 86, tháng 7.2020