- EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu đạt mức cao nhất từ đầu năm
-
07/09/2020
Trong tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 6,5% so với tháng 7/2020 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỷ USD. Đây là mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước tính đạt 336,32 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 174,11 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu đạt 162,21 tỷ USD, giảm 2,2%.
Bộ Công Thương nêu rõ, tính riêng trong tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu tăng 6,5% so với tháng 7/2020 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỷ USD. Đây là mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020.
Nhắc tới xuất khẩu trong tháng 8/2020, dấu mốc đáng chú ý là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua. Việc EVFTA có hiệu lực tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như: nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…
Thực tế số liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, trong vòng 1 tháng kể từ ngày 1/8 đến hết 31/8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,...
Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng đánh giá, từ đầu năm đến nay, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được mức độ tăng trưởng tương đối tốt, điển hình là mặt hàng gạo.
Do ảnh hưởng bởi thời tiết, Covid-19 rất nặng nề, thế giới sẽ phải đối mặt với thời kỳ thiếu lương thực thực phẩm nghiêm trọng sắp tới, trong khi đó Việt Nam vẫn có thể sản xuất tốt. Thậm chí, một số lĩnh vực Việt Nam có nguồn hàng dồi dào như tôm, cá tra, basa…
Thời gian tới để thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản, có lẽ cần có sự hỗ trợ, phối hợp giữa Nhà nước, ngân hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở sản xuất để đưa được lượng hàng cá tra, tôm… đang tồn kho ra thị trường thế giới một cách có tính toán, đem lại lợi ích lớn nhất.
Riêng với mặt hàng gạo, thời gian qua Việt Nam vẫn giữ đươc mức sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng tốt. Về mặt giá cả, loại gạo 2% tấm, 5% tấm của Việt Nam nửa đầu năm nay có sự cải thiện đáng kể so với gạo cùng loại của Thái Lan, thậm chí vượt qua gạo Thái Lan.
“Tuy nhiên, về dài lâu, Việt Nam cần dần giảm bớt xuất khẩu các loại gạo “vô danh”, thay vào đó là gạo có thương hiệu rõ ràng, đặc biệt đi sâu vào giống gạo thơm, gạo dẻo… theo nhu cầu của các thị trường khác nhau. Như thế, gạo Việt mới có thể tận dụng được ưu thế của các FTA đem lại”, chuyên gia Phạm Tất Thắng nói.
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, những tháng cuối năm Bộ này sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hang hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định.
Đồng thời, tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, sản phẩm phục vụ phòng chống dịch.
Chú trọng công tác quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử và đề nghị đối tác có thể thẩm tra năng lực của doanh nghiệp mình thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước sở tại trong bối cảnh dịch bệnh không thể thực hiện các chuyến giao thương, làm việc trực tiếp với nhau.
Bộ Công Thương cũng triển khai xây dựng Kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các FTA với mục tiêu rà soát, chọn lọc một số ngành hàng cùng các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa phát triển tại thị trường các nước đối tác đã ký kết FTA với Việt Nam…
Theo : haiquanonline.com.vn