Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA cùng với mức độ cắt giảm thuế sâu, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, thì chúng ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM - gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) tại nhiều thị trường xuất khẩu. Thêm nữa, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về thương mại như gian lận nguồn gốc xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, lẩn tránh thuế…
Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Cục PVTM (Bộ Công thương) cho thấy, hiện có khoảng 15% DN Việt không biết gì về PVTM; chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ, nắm rõ; vẫn còn 63,21% có nghe nói nhưng không biết rõ vấn đề này. Thậm chí, nhiều DN xuất khẩu Việt Nam bị điều tra PVTM nhưng không hề hay biết.
Cần một chiến lược tổng thể trong phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao GTGT cho hàng xuất khẩu |
Trong năm 2020, mặc dù hoạt động thương mại hàng hóa bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song số vụ khởi xướng điều tra liên quan đến PVTM tăng lên đáng kể, Bộ Công thương đang phải ứng phó với 27 vụ việc PVTM khác nhau. Trong đó đáng chú ý, dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số vụ việc PVTM (bị điều tra 7 vụ, chiếm tỷ lệ 4%) nhưng mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng. Tính trong cả giai đoạn 2007 - 2017 mới chỉ có 3 vụ việc liên quan đến PVTM với mặt hàng gỗ, tuy nhiên từ năm 2018 đến nay đã có 4 vụ. Khi bị dính vào các vụ kiện PVTM, đồng nghĩa với giảm uy tín ngành hàng, thậm chí hạn chế hàng Việt gia nhập các thị trường khác chưa bị áp thuế.
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM chia sẻ, EU vốn là thị trường mang lại thặng dư thương mại rất lớn cho Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Cụ thể, trước khi EVFTA có hiệu lực, thặng dư thương mại của EU với Việt Nam ở mức 26 tỷ USD và con số này được dự báo có thể tăng thêm 10% sau 3 năm. Theo dự báo, nếu bị thâm hụt thương mại sâu hơn, EU sẽ có xu hướng gia tăng các biện pháp PVTM. Các nhóm hàng Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu lớn vào EU gồm điện thoại, linh kiện điện tử; giày dép và dệt may; trong đó giày mũ da và sợi từng bị EU khởi xướng điều tra chống bán phá giá… Trong khi nông - thủy sản và đồ gỗ là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nhưng lại thuộc nhóm ngành “nhạy cảm” được EU bảo hộ, do đó việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này trong tương lai cần cẩn trọng trong thực hiện quy tắc xuất xứ và cân đối năng lực sản xuất với kim ngạch xuất khẩu.
Ngoài ra, bà Giang cũng chỉ ra một số mặt hàng có nguy cơ cao bị EU áp dụng PVTM, dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chưa lớn. Đó là thép - mặt hàng được EU bảo hộ chỉ sau nhóm hàng nông nghiệp. Mặt hàng xe đạp, bên cạnh đồ gỗ, xuất khẩu sang EU cũng được đại diện của phái đoàn EU tại Việt Nam đề nghị kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và đưa ra cảnh báo về việc xuất khẩu đang tăng nhanh. Một số DN của EU cho rằng hàng hóa của Việt Nam đã gây thiệt hại cho sản xuất của họ.
Trong bối cảnh EVFTA được thực thi, việc gia tăng các biện pháp PVTM là khó tránh khỏi. Và đó không phải là “cuộc chiến” riêng lẻ của DN nào. Việc liên kết giữa các DN đang xuất khẩu sản phẩm liên quan sang thị trường liên quan với nhau trong ứng phó với các vụ kiện là rất cần thiết.
Theo các chuyên gia, để hạn chế thiệt hại với DN xuất khẩu vào các thị trường có nguy cơ bị kiện PVTM cao, bản thân các DN cần chuẩn bị cả về kiến thức lẫn nguồn lực, bảo đảm các tài liệu sổ sách chứng từ đúng chuẩn mực quốc tế để chứng minh bảo vệ mình. Ngoài ra, thường xuyên cùng các đối tác nhập khẩu cập nhật tình hình thị trường và các nguy cơ kiện cũng là rất cần thiết. Đặc biệt, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, bất hợp pháp. Đồng thời, các DN nên chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài DN làm ảnh hưởng tới cả cộng đồng DN sản xuất, kinh doanh chân chính.
Ở vai trò cơ quan quản lý, đại diện Cục PVTM cho biết sẽ luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM. Bên cạnh đó, Phòng xử lý PVTM nước ngoài của Cục cũng sẽ hỗ trợ DN Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài cũng như cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với Chính phủ và hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc. Trên cơ sở đó, cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến.
Nhằm hạn chế tối đa việc DN Việt Nam bị kiện PVTM, Bộ Công thương vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM", giúp nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ cơ quan điều tra trong việc điều tra, xử lý các vụ việc PVTM trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại WTO; chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững; đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng DN cũng cần tăng cường phối hợp nắm bắt tình hình, thường xuyên cập nhật các điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam…
Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ tăng cường theo dõi tình hình tuân thủ các quy định quốc tế, quy định trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương của các DN trong nước hoạt động trên các lĩnh vực đã và đang có nguy cơ bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM; nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật trong nước và quốc tế có liên quan đến PVTM.
Theo : thoibaonganhang.vn