Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi tại buổi họp báo |
Tại buổi họp báo Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan sáng nay, 30/8, tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới Hiệp định RCEF, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế RCEP lần thứ 8 được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Bộ trưởng kinh tế các nước đã thảo luận kỹ, tìm ra hướng để giải quyết tồn đọng trong đàm phán để ký kết Hiệp định RCEF vào cuối năm 2020.
Có thể nói, phần lớn vấn đề tồn đọng liên quan đến đàm phán RCEF đã đạt được kết quả khả quan, hài lòng. Các Bộ trưởng đã cho chỉ đạo cụ thể, kể cả vấn đề về rà soát phát lý, thúc đẩy đạt mục tiêu tất cả việc chuẩn bị để ký kết vào cuối năm 2020, cũng như tiếp tục tạo điều kiện để Ấn Độ tham gia trong quá trình ký kết RCEF .
“Dự kiến cần thêm 1 hội nghị vào tháng 10/2020 để đánh giá lại công tác chuẩn bị, trước khi báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11/2020 để ký kết Hiệp định RCEF theo đúng yêu cầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Đánh giá về tầm quan trọng của hiệp định này, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định, RCEF luôn được xác định là nội dung rất ưu tiên trong chiến lược hội nhập của Việt Nam.
Nếu được ký kết, Hiệp định RCEF sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, GDP quy mô lên tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD; quy mô dân số chiếm 47,5% dân số thế giới.
Với các cam kết của hiệp định, khi thực thi, RCEF sẽ tạo ra thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa thương mại dịch vụ, đồng thời cải cách sâu đậm các lĩnh vực để thực hiện thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại. Đây là động lực to lớn giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu.
RCEF sẽ là đóng góp to lớn, không chỉ cho tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố hệ thống thương mại đa phương, vô cùng cần thiết cho toàn cầu hóa. Với Việt Nam, để cân đong đo đếm về lợi ích thương mại, đầu tư từ RCEF còn nhiều điều cần tính toán kỹ hơn.
Tuy nhiên, rõ ràng với bước đi mang tính chủ động nằm trong chiến lược hội nhập, đây là “mắt xích”, điểm nhấn cần thiết để đảm bảo những hoạt động tiếp tục thực hiện chiến lược hội nhập, từ đó tạo ra phát triển kinh tế xã hội bền vững, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế.
“Cùng với các Hiệp định thương mại tư do (FTA) khác, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA), RCEF có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu, nền tảng cũng như chiến lược dài hạn của Việt Nam; tiếp tục khẳng định Việt Nam là quốc gia có vai trò, vị thế quan trọng trong toàn cầu hóa cũng như hội nhập của khu vực với thế giới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Liên quan tới Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ASEAN với các đối tác liên quan, người đứng đầu ngành Công Thương chia sẻ thêm, hiện nay, ASEAN đã có kế hoạch về Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ASEAN với các đối tác dự kiến tổ chức vào cuối năm nay.
Công việc chuẩn bị đang được các kênh cả kênh ngoại giao, kinh tế cũng như bộ phận có liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả. Các công việc đến nay đều khá tích cực, đưa lại những nội dung có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19…
“Tuy nhiên, việc tổ chức hội nghị là trực tiếp hay trực tuyến phụ thuộc vào ý chí của các nhà lãnh đạo, nhất là dựa trên cơ sở diễn biến dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bởi các quốc gia đều đặt mục tiêu an toàn tính mạng, sức khỏe con người lên trên”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Các cuộc đàm phán RCEP đã được khởi động vào tháng 5/2013, ban đầu có sự tham gia của 16 quốc gia Đông Á gồm 10 nước thành viên ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ (là 6 quốc gia mà ASEAN có các hiệp định thương mại tự do hiện có). Đến phút cuối cùng, Ấn Độ đã rút lui phần lớn do áp lực chính trị trong nước, mà các nhà phân tích cho rằng RCEP sẽ khiến các “cơn lũ” tràn vào Ấn Độ các sản phẩm tiêu dùng Trung Quốc và các hàng nông sản từ Australia và New Zealand. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Ấn Độ vẫn có thể tìm được điểm chung với các đối tác RCEP nếu phù hợp với lợi ích cốt lõi của Ấn Độ, liên quan đến tiếp cận thị trường, quy tắc xuất xứ và các cơ chế tự vệ. Ấn Độ sẽ được hoan nghênh khi tham gia trở lại nếu và khi nước này sẵn sàng. Bất chấp việc tạm thời không có Ấn Độ, 15 quốc gia RCEP (gọi tắt là RCEP15) vẫn sẵn sàng tiến tới thành lập một FTA lớn nhất thế giới. So với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), RCEP kết hợp một cách cân bằng các cam kết WTO cộng với việc hạ thấp hơn nữa các rào cản thương mại ở biên giới và các điều khoản bổ sung của WTO nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý sau biên giới. RCEP có các chương dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trong khi đưa ra các quy trình rộng rãi cho hợp tác kinh tế và kỹ thuật vì sự thịnh vượng chung. |