Ngành da giày - túi xách đang cố gắng tìm mọi cơ hội để phát triển. Ảnh: Nguyễn Huế |
Xuất nhập khẩu đều giảm
Từ năm 2015 đến nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép Việt Nam tăng 1,2-1,7 tỷ USD/năm và đến năm 2019 đạt 17,94 tỷ USD. Da giày lọt top 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Theo kế hoạch năm 2020, ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế, ngành da giày đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công Thương cho biết sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 7 tăng 7,6% so với tháng trước, nhưng giảm 4,4% so với cùng kì. Tính chung 7 tháng đầu năm giảm 4,2% so với cùng kì năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 7 tháng đầu năm ước đạt 9,53 tỉ USD, giảm gần 8% so với cùng kì năm 2019. Tình hình nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho ngành cũng giảm 14,1% trong 6 tháng đầu năm. Hệ quả, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế- xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 28,39% về lao động và 29,23% về doanh thu.
Chia sẻ về khó khăn của DN, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối châu Âu - Eurolink (Khu công nghiệp Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đang khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Dịch bệnh cũng làm hoãn kế hoạch tham gia các chương trình triển lãm phục vụ cho việc phát triển giai đoạn 2020 - 2025, các hội chợ kết nối giao thương...
Đây là tình trạng chung của các DN ngành da giày trong những tháng qua, điều này đã làm lộ rõ những điểm yếu của ngành này như phụ thuộc nhiều vào nguồn ngyuên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chủ yếu là châu Âu và Mỹ cũng đang “điêu đứng” vì đại dịch… khiến doanh thu của các DN trong nước giảm sút. Do đó, bài toán đặt ra là các DN phải tìm cách xoay chuyển thị trường, tìm hướng đi mới cho nguồn cung và cầu trong thời gian tới, để thoát khỏi khó khăn.
Cơ hội lớn từ thị trường Hoa Kỳ
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho biết, 70% nguyên phụ liệu cho sản xuất da giày trong nước là nhập từ Trung Quốc nên dịch Covid-19 đã khiến DN da giày trong nước gặp khó để sản xuất. Vì thế, nhiều DN đã và đang chuyển hướng tìm nguồn vật tư, nguyên liệu từ nhiều thị trường khác như Ấn Độ, châu Âu, Singapore, Nhật Bản… để duy trì sản xuất. Doanh nghiệp của ông Nguyễn Hữu Thành cũng có chung giải pháp, Eurolink đã điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để phù hợp hơn với tình hình thực tế và tìm hiểu về vật tư, nguyên phụ liệu từ các thị trường như Ấn Độ, châu Âu… để duy trì sản xuất.
Cùng với việc đa dạng hóa nguồn nguyên phụ liệu, các DN da giày cũng đã tích cực hơn trong việc tìm kiếm, mở rộng đối tác. Nhiều DN chia sẻ, một số thị trường tại châu Âu, Nhật Bản đã có dấu hiệu phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát hơn. Hơn nữa, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 cũng giúp các DN da giày tăng thêm cơ hội mở rộng thị trường, có thêm đơn hàng. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết, công ty đã tiến hành đàm phán đơn hàng với một số đối tác, dự kiến sẽ có nhiều đơn hàng được ký vào cuối quý 3 và đầu quý 4 năm nay.
Thực tế là tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng nếu các DN “chịu khó” tìm kiếm đối tác, nâng cao năng lực cạnh tranh thì cơ hội vẫn còn rất lớn. Chia sẻ tại một buổi xúc tiến thương mại mới đây, ông Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà phân phối và Bán lẻ Giày dép Hoa Kỳ (FDRA) cho biết, giai đoạn từ năm 2003-2020, trong khi kim ngạch nhập khẩu giày dép của Hoa Kỳ từ các nước trên thế giới biến đổi bất ổn với chiều hướng giảm thì giày dép của Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn liên tục tăng. Tính riêng những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho kim ngạch nhập khẩu giày dép của Hoa Kỳ từ Việt Nam giảm nhưng vẫn tốt hơn hẳn so với nhập khẩu từ các nước còn lại. Đáng chú ý, thời gian gần đây, mức thuế mà Hoa Kỳ áp vào mặt hàng giày dép xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng lên, vì thế, Việt Nam sẽ trở thành nơi tăng nguồn cung ứng giày dép cho Hoa Kỳ. Do đó, vị này cho rằng, kim ngạch nhập khẩu giày dép của Hoa Kỳ từ Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 dự kiến sẽ đi ngang.
Từ những vấn đề nêu trên, các DN và chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý cần được đẩy mạnh hơn. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, ngành da giày cần khắc phục điểm yếu về liên kết chuỗi; cần có một nghị định riêng cho ngành da giày, dệt may và hướng tới phát triển công nghiệp thời trang của Việt Nam...
Theo : haiquanonline.com.vn