Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và lãnh đạo UBND Thành phố, các sở, ngành Thành phố.
Những năm vừa qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức và chịu tác động trực tiếp của những diễn biến phức tạp trong bối cảnh thế giới và khu vực, đặc biệt là tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay nhưng thành phố Hà Nội đã chủ động vượt qua và tạo bước phát triển vững chắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển công nghiệp, thương mại. GRDP tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 tăng 7,36%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng từ 85,77% năm 2015, dự kiến lên khoảng 86,7% năm 2020; công nghiệp công nghệ cao từng bước phát triển tích cực ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học…; hạ tầng công nghiệp, thương mại và dịch vụ tiếp tục được củng cố đồng bộ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khá cao, đạt mức 10,91%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019; các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh với khoảng 10 nghìn website/ứng dụng được chấp thuận hoạt động, doanh thu chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ và dịch vụ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí Lãnh đạo Bộ và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những thành tựu, kết quả đạt được của ngành Công Thương thành phố Hà Nội thời gian qua cũng như hoạt động hợp tác, công tác phối hợp chặt chẽ giữa thành phố Hà Nội với Bộ Công Thương. Trong thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động và diễn biến hết sức phức tạp. Để khơi thông được những động lực phát triển mới, tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô và cho cả nước, tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thay mặt tập thể Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đặt ra 5 nhóm vấn đề lớn để cùng với Hà Nội và cả nước tập trung thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, phát triển công nghiệp - thương mại theo hướng nhanh và bền vững, cụ thể:
Một là, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu trong phát triển các ngành công nghiệp của Thủ đô, hướng trọng tâm và đi vào chiều sâu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Hà Nội cần phải trở thành trung tâm và là đầu mối tạo dựng các chuỗi liên kết trong phát triển công nghiệp của Vùng và của cả nước. Theo hướng này, trước mắt Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch để hình thành một Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật phát triển cho lĩnh vực công nghiệp đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đồng thời, trong phát triển công nghiệp của Hà Nội cần lưu ý để khai thác và phát huy tiềm năng của 1.350 làng nghề và làng có nghề với rất nhiều sản phẩm truyền thống, có giá trị. Bên cạnh đó, cần bám sát Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 để có kế hoạch, bước đi rõ ràng cho các giai đoạn sắp tới.
Hai là, bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội theo mục tiêu định hướng đề ra cho Chiến lược 10 năm tới. Trong đó, cùng với quá trình xây dựng Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với Hà Nội để thực hiện các khâu trong công tác xây dựng và hướng dẫn triển khai Quy hoạch điện lực của Thủ đô. Cùng với đó là tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ba là, thúc đẩy xuất khẩu, khai thác hiệu quả các cơ hội mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do FTAs mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các FTAs thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.
Hà Nội vừa là trung tâm sản xuất lớn, nhưng đồng thời cũng là địa bàn của các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu lớn của cả nước. Do vậy, nếu các doanh nghiệp của Hà Nội tận dụng tốt các FTAs sẽ có ý nghĩa và tác dụng rất lớn trong để các địa phương và doanh nghiệp khác trong Vùng và trong cả nước cùng làm tốt. Bộ Công Thương đã có báo cáo rất cụ thể với Chính phủ về kế hoạch triển khai các FTA này, đồng thời đã triển khai nhiều hoạt động lớn trên địa bàn Hà Nội để tổ chức thực thi các cam kết hội nhập. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng Hà Nội để triển khai mạnh mẽ hơn các hoạt động này.
Bốn là, đặt trọng tâm cao hơn vào thúc đẩy thương mại trên địa bàn Thành phố, thúc đẩy nhu cầu nội địa để đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng của Hà Nội và của cả nước trong thời gian tới. Cùng với đó là bảo đảm kiểm soát tốt trật tự thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho phát triển kinh tế của Thủ đô.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương và Hà Nội đã có rất nhiều chương trình, hoạt động phối hợp cụ thể. Đặc biệt là sự chủ động, xông xáo của ngành Công Thương Hà Nội thời gian qua được thể hiện rất rõ và cho thấy tác dụng thiết thực như các hoạt động kích cầu tiêu dùng, tổ chức các chương trình khuyến mại, đưa hàng về nông thôn, kết nối với các địa phương trong Vùng và trong cả nước... liên tục được tổ chức thường xuyên, nhiều hoạt động có qui mô lớn.
Trên cơ sở Chiến lược phát triển thương mại nội địa đến năm 2035 đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ, Bộ sẽ cùng với Hà Nội tiếp tục cụ thể hóa và xây dựng các chương trình, hoạt động một cách căn cơ và dài hạn hơn nhằm tạo đột phá trong khâu tổ chức thị trường và phát triển thương mại nội địa trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.
Năm là, tập trung chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Coi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của Hà Nội trong những giai đoạn phát triển tiếp theo. Đây chính là cơ hội để tạo động lực mới và không gian mới rộng lớn hơn cho phát triển của Hà Nội thời gian tới.
Bộ Công Thương và Hà Nội sẽ căn cứ vào Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai những chương trình cụ thể thực hiện các mục tiêu trong phát triển thương mại điện tử của Hà Nội và của cả nước trong giai đoạn 5 năm tới đây.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tại buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đồng tình và thống nhất với những ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương và những nội dung hai bên sẽ đẩy mạnh, tiếp tục phối hợp trong thời gian tới. Cụ thể:
Về lĩnh vực công nghiệp: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với thành phố xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại, phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá; nhất là những ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, hàm lượng chất xám cao. Phấn đấu trong nhiệm kỳ tới, tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của thành phố. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện hỗ trợ thành phố đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao…
Về lĩnh vực năng lượng: Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ để thành phố có thể sớm thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư các dự án năng lượng và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ trong chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và bền vững.
Trong lĩnh vực thương mại: Bộ hỗ trợ thành phố xây dựng hệ thống thương mại văn minh, hiện đại; triển khai có hiệu quả đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn đến năm 2025; tiếp tục hỗ trợ thành phố trong triển khai đề án phát triển trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, các chợ đầu mối. Đặc biệt là hỗ trợ thành phố triển khai các chương trình phát triển thương mại điện tử để Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu cả nước trong lĩnh vực này. Cùng với đó, Bộ sẽ phối hợp với thành phố tổ chức các khóa đào tạo, hỗ trợ kết nối thương mại điện tử với các sàn thương mại lớn trên thế giới, hỗ trợ phối hợp cung ứng sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Thành phố Hà Nội và Bộ Công Thương, tại Hội nghị, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ với các nội dung hợp tác từ lĩnh vực công nghiệp, năng lượng cho đến phát triển thương mại.
Với trách nhiệm và vai trò là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, Bộ Công Thương nhận thức sâu sắc việc xây dựng, phát triển Thủ đô không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị mà còn là niềm tự hào của từng cán bộ, công chức ngành Công Thương với tư cách là công dân Thủ đô Hà Nội.
Bộ Công Thương tin tưởng với tiềm năng, thế mạnh và sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô cùng sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành Trung ương, trong thời gian tới, ngành Công Thương thành phố Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng tầm với Thủ đô, trung tâm kinh tế - chính trị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
Theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương