CMCN 4.0 được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất, làm thay đổi sâu rộng chuỗi giá trị sản phẩm từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, dịch vụ logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí sản xuất, vận chuyển, phân phối và làm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nắm bắt được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Trong đó, yêu cầu các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước tiến hành nghiên cứu và đánh giá hiện trạng ứng dụng khoa học, kỹ thuật gắn với thực tiễn nền kinh tế Việt Nam để xác định những cơ hội, thách thức do tác động của CMCN 4.0 và chỉ ra Việt Nam cần làm gì để phát triển nền kinh tế trong bối cảnh CMCN 4.0.
Ngành da giầy Việt Nam có vị trí cao trên thị trường thế giới, đứng thứ ba thế giới về sản xuất và thứ hai thế giới về xuất khẩu. Năm 2019 ngành da giầy đã xuất khẩu 22 tỷ USD, chiếm 8,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động. Sản xuất da giầy là một trong các ngành công nghiệp chịu nhiều thách thức nhất từ CMCN 4.0 do sử dụng nhiều lao động. Tự động hóa được kết nối trên nền tảng internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ sản xuất bồi đắp in 3D, phân tích dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo sẽ dần dần thay thế người lao động trong các dây chuyền sản xuất trong nhà máy và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm da giày.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp da giầy trong nước, Hiệp hội da giầy – Túi xách Việt Nam (LEFASO) đã được Chính phủ và Bộ khoa học Công nghệ giao thực hiện đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu, đánh giá tác động của CMCN 4.0 đối với ngành da giầy Việt Nam, định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển ngành da giầy Việt Nam đến năm 2030”. Đề tài nhằm thực hiện việc đánh giá đầy đủ các tác động của CMCN 4.0 đối với ngành da giầy, đồng thời cũng là cơ sở để đề ra định hướng chiến lược phát triển và xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thành công thành tựu công nghiệp 4.0 trong ngành da giầy đến năm 2030 và đề xuất các chính sách, chương trình của Nhà nước hỗ trợ ngành da giầy thực hiện các giải pháp này.
Qua quá trình triển khai đề tài nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp da giầy đều nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ công nghệ sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ số hóa và tự động hóa của cuộc CMCN 4.0. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tránh bị tụt hậu, trong bối cảnh chi phí lao động trong nước và giá nhập khẩu nguyên phụ liệu ngày càng tăng.
Tuy nhiên, cũng theo kết quả nghiên cứu này, trên 70% doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và trung bình trong ngành sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. Chỉ có 30% doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn trong nước đã ứng dụng tự động hóa theo từng công đoạn sản xuất, trong đó dưới 5% có kế hoạch triển khai công nghệ tự động hóa kết nối.
Nghiên cứu cũng chỉ ra các yêu cầu cụ thể đối với ngành da giày cần triển khai áp dụng các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 phải thực hiện những hoạt động sau: Đẩy mạnh tự động hóa và kết nối, tích hợp hệ thống trong sản xuất da giầy; thay đổi phương thức cung ứng nguyên phụ liệu để phù hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh CMCN 4.0; sử dụng các quy trình quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh tiên tiến trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0; người lao động dôi ra từ dây chuyền tự động hóa sẽ được đào tạo lại và chuyển đổi để thực hiện các công việc mới.
Qua khảo sát thực tế cho thấy, việc đáp ứng các yêu cầu trên đang là những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp da giầy trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguồn lực hạn hẹp và quy mô manh mún nhỏ lẻ chính là một trong những rào cản lớn hạn chế sự tiếp cận của doanh nghiệp da giầy đối với các công nghệ 4.0
Bên cạnh đó, để áp dụng thành công các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào thực tiễn, cũng cần có các điều kiện cơ bản từ phía nhà nước, như thể chế, cơ chế chính sách, pháp luật phù hợp với một nền kinh tế số. Cần có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển; nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng được yêu cầu làm việc trong nền kinh tế số; có nguồn vốn lớn đáp ứng nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ...
Do đó, việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng dụng cuộc CMCN 4.0 là rất quan trọng, nhằm tăng cường năng lực hội nhập quốc tế và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đối với doanh nghiệp và xã hội./.
Ban thư ký : Lefaso