Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Ngành da giày hậu Covid-19: Liệu có 'dễ ăn' trước 'luồng gió mới' EVFTA
  • 10/06/2020
 

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho ngành da giày Việt Nam so với các đối thủ nhưng doanh nghiệp cũng không “dễ ăn” khi còn bỡ ngỡ trước cả “rừng luật chơi” đầy khắt khe.      


nganh da giay hau covid 19 lieu co de an truoc luong gio moi evfta khi co ca rung luat choi
Năm 2019, ngành da giày xuất khẩu 22 tỷ USD, chiếm 8,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động. (Nguồn: TBNG)

Kỳ vọng đón ‘phép màu’

Theo Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu túi xách, ví, va li, mũ, ô dù chỉ đạt 1,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ, là mức giảm sâu nhất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tương tự, xuất khẩu giày dép chỉ đạt 6,8 tỷ USD, giảm 5%.

Trong tháng 4 và tháng 5, xuất khẩu da giày ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 21% và 50% và dựa trên lượng đơn hàng ký được, đơn hàng bị hủy hoãn, Lefaso dự tính tình hình xuất khẩu sẽ còn giảm trong tháng 6, lo ngại hơn là đơn hàng cho mùa cuối năm đều chưa chốt được.

Sau khi hoàn thành 22 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019, ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm 2020. Nhưng dưới tác động của đại dịch Covid-19, dự kiến ngành phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu trong năm nay, với mức giảm trên 10%.

Trong bối cảnh đó, với Hiệp định EVFTA vừa được Quốc hội phê chuẩn và dự kiến có hiệu lực từ tháng 8, ngành da giày kỳ vọng EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

 

Đại diện lãnh đạo Lefaso cho biết, các doanh nghiệp da giày đang rất trông đợi vào những lợi ích EVFTA mang lại, vì hiện nay, doanh nghiệp da giày đang "đói" các đơn hàng. Hiện thị trường EU chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu của ngành và Lefaso cho rằng, với việc EVFTA có hiệu lực, thị trường EU sẽ giúp ngành tăng trưởng khoảng 10% trong những tháng cuối năm.

Trước mắt, khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp các doanh nghiệp vừa giải phóng lượng hàng còn tồn trước đó, vừa mở ra cơ hội với các đơn hàng mới, khôi phục lại thị trường sản xuất. Bởi lẽ, ngay khi áp dụng EVFTA, 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% và phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể.

Các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng giày thể thao, giày vải và giày cao su. Đây là các mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA là một FTA thế hệ mới, mang lại nhiều tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, qua đó đều có tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường EU như: mở cửa thị trường EU cho hàng hóa Việt Nam; thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xuất khẩu; tạo thêm việc làm, nâng cao năng suất lao động...

EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Về những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành da giày của Việt Nam, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định, mặc dù một số nước khác có lợi thế về ưu đãi EBA (có 49 nước thuộc chương trình EBA - chương trình miễn thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa từ các nước kém phát triển nhập khẩu vào EU trừ vũ khí), GSP (chương trình ưu đãi thuế quan mới EU dành cho các nước đang phát triển) nhưng với EVFTA, Việt Nam có thế mạnh rất lớn. Các nước có FTA với EU rất ít, ở khu vực châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, EVFTA cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam so với các nước ASEAN tại thị trường EU. EU cũng là đối tác thương mại lớn với nhiều nước ASEAN. Với vị thế là quốc gia thứ 2 tại ASEAN có FTA với EU, các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế này để thâm nhập thị trường, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU, làm bước đệm để tiếp cận các thị trường phát triển khác.

Hiểu và thực hiện “luật chơi” như thế nào?

Tuy kỳ vọng là vậy, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, những "lo lắng" mà EVFTA mang lại cho ngành da giày không phải là ít. Bước vào sân chơi mới với nhiều bỡ ngỡ và luật lệ, làm sao để doanh nghiệp hiểu và tận dụng được cơ hội là một vấn đề khá đau đầu.

Đầu tiên là quy tắc xuất xứ theo Hiệp định EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn của ngành da giày Việt Nam. Da giày có thuộc da là một trong những công đoạn gây ô nhiễm môi trường. Da thuộc trong ngành da giày cũng tương đồng với yêu cầu xuất xứ của vải trong ngành dệt nhuộm. Vì vậy, ngành gặp khó khăn trong nguồn cung nguyên phụ liệu để có thể đáp ứng được yêu cầu về nguyên liệu xuất xứ khi xuất khẩu theo EVFTA.

nganh da giay hau covid 19 lieu co de an truoc luong gio moi evfta khi co ca rung luat choi

Để giải quyết khó khăn này, Bộ Công Thương đang khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào. Đồng thời, Bộ cũng tăng cường kết nối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

"Lo lắng" nữa là do có nhiều quy định trong EVFTA đến nay đã có thay đổi so với trước đây Bộ Công Thương tập huấn cho doanh nghiệp. Do vậy, Lefaso mong muốn, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có thể tận dụng hết cơ hội từ EVFTA một cách hiệu quả nhất.

Theo kết quả khảo sát gần đây với ngành da giày, trên 70% doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và trung bình sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. Chỉ có 30% doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn trong nước đã ứng dụng tự động hóa theo từng công đoạn sản xuất, trong đó dưới 5% có kế hoạch triển khai công nghệ tự động hóa kết nối.

Trong khi đó, việc thực thi EVFTA cần một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Nhưng với đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu... thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, sẽ rất khó để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU.

Vì vậy, trong thời gian tới, một trong những việc các doanh nghiệp da giày cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất... mới tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết rất sâu rộng cũng như điều kiện gia nhập thị trường cao như châu Âu.

Về lâu dài, ngành da giày cũng cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ để phát triển công nghiệp hỗ trợ để tự chủ trong sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Mặt khác, doanh nghiệp cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn cung nguyên phụ liệu trong và ngoài nước để có được những ứng phó kịp thời với biến động xảy ra. Có như thế, các doanh nghiệp da giày mới có thể tận dụng được những cơ hội mà EVFTA mang lại thời gian tới.

                                                                                                                                                                                Theo : baoquocte.vn

Tin tức liên quan