Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Đáp ứng quy tắc xuất xứ - “chìa khóa" tận dụng tốt EVFTA
  • 09/06/2020































 Ngành dệt may, da giầy hiện tại khá tự tin trong vấn đề có thể đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong EVFTA



 Dự kiến sớm nhất, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020. Để tận dụng tốt cơ hội mở ra từ FTA thế hệ mới này, một trong những điểm mấu chốt đối với nhiều ngành hàng XK tỷ USD của Việt Nam là phải đáp ứng được quy định về quy tắc xuất xứ.
dap ung quy tac xuat xu chia khoa tan dung tot evfta 127802
 

Không mới nhưng phức tạp

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không phải là mới hoàn toàn đối với các DN Việt Nam vì quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được xây dựng và đàm phán dựa trên quy tắc xuất xứ trong cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là cơ chế ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam nhiều năm nay. Tuy nhiên, so với các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia, quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phân tích rõ hơn, ví dụ một số mặt hàng như dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định; quy định cho hưởng ưu đãi đối với một số lãnh thổ đặc thù hay chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định… "Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không hoàn toàn mới nhưng tương đối phức tạp", lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

Ông Phan Văn Chinh thông tin thêm, theo cam kết, Hiệp định cho phép áp dụng song song cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tại Việt Nam, thời điểm áp dụng tự chứng nhận xuất xứ do nội luật quy định. Trước khi áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ thông báo tới EU và ban hành hướng dẫn trong nước.

Cụ thể, đối với hàng hóa XK của Việt Nam, với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà XK nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ (tương tự quy định GSP hiện hành); với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Ở chiều ngược lại, hàng hóa NK vào Việt Nam, với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà XK nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ (tương tự quy định GSP hiện hành). Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, chỉ có nhà XK đủ điều kiện theo quy định của EU mới được tự chứng nhận xuất xứ.

Phát triển nguồn nguyên liệu nội địa

Đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA để được hưởng ưu đãi thuế quan có dễ dàng không? Khi đề cập tới góc nhìn ở riêng ngành thủy sản, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đưa ra câu trả lời là không hề dễ dàng. Đó là bởi, cơ bản các cam kết trong những FTA thế hệ mới như EVFTA hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) làm tăng các yêu cầu về môi trường liên quan tới đánh bắt hải sản. Khi DN muốn có hải sản chất lượng thì phải tuân thủ các quy tắc về lao động, môi trường... Đáng chú ý, việc tuân thủ những điều này có thể làm cho chi phí sản xuất cao hơn, dẫn tới giá thành sản phẩm bị đội lên...

Tương tự, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam) nhấn mạnh, các DN phải hiểu và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ; tăng cường liên kết chuỗi; kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là chú trọng quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường...

Với ngành dệt may, nhằm nắm bắt tốt hơn nữa cơ hội mà EVFTA mang lại, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang chia sẻ, một trong những mục tiêu mà ngành hướng đến là thúc đẩy xây dựng liên kết chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn (dệt, nhuộm) đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may. Chính phủ, Bộ Công Thương và Hiệp hội sẽ đóng vai trò quan trọng đồng hành cùng DN trong quá trình hình thành các chuỗi này.

Theo ông Phan Văn Chinh, thời gian tới để tăng cường quản lý nhà nước về công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu sẽ hỗ trợ DN Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của DN Việt Nam. Ngoài ra, nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, ngoài việc thực hiện các chương trình nâng cao năng lực của cơ quan, tổ chức cấp C/O, Cục sẽ thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của DN để đảm bảo việc thực hiện quy tắc xuất xứ EVFTA.

Đối với các DN, ông Chinh cho rằng, do quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, ví dụ như thủy sản, dệt may hay da giày... nên các DN Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. "Bên cạnh đó, DN cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của đối tác EU để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như bạn hàng mới, mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực cũng như mở rộng thị trường tới những nước EU mà trước đây chưa hoặc ít khai thác", ông Chinh nhấn mạnh.

Tiêu chí xuất xứ cụ thể đối với một số mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang thị trường châu Âu được quy định trong Hiệp định EVFTA như sau:

Thủy sản: Tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong EVFTA là xuất xứ thuần túy, theo đó thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên Hiệp định EVFTA. Tiêu chí xuất xứ thuần túy đối với thủy sản trong EVFTA được xem là linh hoạt hơn so với GSP do trong GSP thủy sản được coi là có xuất xứ thuần túy khi đồng thời sinh ra và lớn lên tại EU hoặc nước được hưởng GSP. Bên cạnh đó, Việt Nam được phép sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN (quy tắc cộng gộp) để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến XK sang EU.

Dệt may: Tiêu chí xuất xứ đối với sản phẩm dệt may trong EVFTA là tiêu chí hai công đoạn - “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại Hiệp định. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA cho phép sử dụng linh hoạt 10% (theo trọng lượng) sợi hoặc xơ và 8% (theo giá trị) nguyên liệu dệt may khác không có xuất xứ được sử dụng trong quá tình sản xuất.

Giày dép: Sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ bên ngoài Hiệp định, ngoại trừ các bộ phận lắp ghép từ mũi giày và đế giày. Tiêu chí xuất xứ này được xem là chặt hơn so với một số các FTA khác nhưng không phải là tiêu chí mới đối với ngành da giày, do trước đó DN da giày đã XK sang EU với tiêu chí tương tự trong GSP.

Gỗ và sản phẩm gỗ: Đối với gỗ nguyên liệu nói chung và đồ nội thất làm từ gỗ, tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số hoặc hàm lượng giá trị nguyên liệu không xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất không vượt quá 70%. Tuy nhiên, một số mặt hàng gỗ như gỗ tấm để làm lớp mặt hoặc làm gỗ dán, ván gỗ tạo gần và gờ dạng chuối hạt, hòm, hộp thùng hình… có tiêu chí xuất xứ là công đoạn gia công chế biến cụ thể.

Nhựa và sản phẩm nhựa: Tiêu chí xuất xứ đối với nhựa và sản phẩm nhựa khá linh hoạt khi cho phép sử dụng tối đa 50% nguyên liệu không có xuất xứ trong quá trình sản xuất hoặc chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số, trong đó cho phép được sử dụng tối đa 20% nguyên liệu không xuất xứ cùng nhóm (4 số) với sản phẩm.


                                                                                                                                                    Theo : haiquanonline.com.vn

Tin tức liên quan