Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Ngành nào có lợi, ngành nào "hụt hơi" khi EVFTA có hiệu lực?
  • 29/05/2020
 Dự kiến, nếu được Quốc hội thông qua, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực sớm nhất từ tháng 7/2020. Nông thủy sản, dệt may, da giày... là những ngành hàng điển hình có tăng trưởng xuất khẩu vào EU cao nhờ hiệp định này.

nganh nao co loi nganh nao hut hoi khi evfta co hieu luc
Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Ảnh: N.Huế


Dệt may, da giầy, nông sản thu lợi

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% ngay trong năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Bộ Công Thương thông tin, xét theo ngành hàng, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU như nông thủy sản, dệt may, da giày dự kiến sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao.

Cụ thể, EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu nông thủy sản tại Việt Nam. Cụ thể là gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025); đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%) và thủy sản (2%), trong giai đoạn 2020-2030.

Đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.

Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Tương tự, đối với ngành da giày, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào năm 2025 và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: "Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định".

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tài chính, logistics "hụt hơi"?

Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương nêu rõ, các cam kết trong Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn cho Việt Nam trong một số ngành.

Cụ thể, với ngành dược phẩm: Cam kết của EVFTA về thuế quan đối với dược phẩm có thể không tạo ra thay đổi gì lớn trong tương lai gần đối với việc xuất, nhập khẩu dược phẩm giữa Việt Nam và EU.

Tuy nhiên, các cam kết liên quan tới dược phẩm ở các khía cạnh khác sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và doanh nghiệp dược Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, theo hướng: Dược phẩm từ EU sẽ vào Việt Nam thuận lợi, dễ dàng và trực tiếp hơn.

Bên cạnh đó, mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm sẽ được tăng cường, khiến một số loại dược phẩm có thể chậm được giảm giá hơn; cạnh tranh gay gắt hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam (trong nhóm đã cam kết mở cửa cho nhà thầu EU).

"Tác động này rõ rệt hơn với các loại biệt dược, thuốc chuyên dụng (nhóm thuốc có bảo hộ độc quyền, Việt Nam chưa sản xuất được). Đối với các sản phẩm thuốc thông thường, thuốc generic mà Việt Nam đã sản xuất được, các tác động không quá lớn", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Bên cạnh dược phẩm, ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cũng được đánh giá sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn.

EVFTA mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy tự do hóa ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam. Tác động của mở cửa dịch vụ với nhóm ngành này là tích cực trên các góc độ cầu về dịch vụ, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp từ EU.

Đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn, đồng thời, áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn do mở cửa dịch vụ này làm cho Việt Nam dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.

Tương tự, với ngành logistics, Bộ Công Thương nhận định, EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển ngành logistics ở 2 góc độ.

Thứ nhất, cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải. Thứ hai, cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, thực hiện dịch vụ.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện); 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

                                                                                                                                 Theo : haiquanonline.com.vn

Tin tức liên quan