Phiên họp toàn thể tại hội trường chiều 20/5, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV |
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), hiện tại là thời điểm Việt Nam cần nhiều động lực để phát triển kinh tế. EVFTA sẽ là một trong những động lực quan trọng giúp đẩy mạnh xuất khẩu, khai thông thị trường và và cũng là cơ hội để Việt Nam hiện thực hóa những mục tiêu trong tái cơ cấu kinh tế.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đánh giá, việc phê chuẩn EVFTA là cần thiết, phù hợp, đúng thời điểm, góp phần quan trọng trong tạo đà cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
“Hiệp định này thực sự là “con đường cao tốc hướng Tây” và được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích hết sức thiết thực”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) phân tích, năm 2019, xuất nhập khẩu Việt Nam-EU mới chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 41,7 tỷ USD.
Khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường EU nhiều hơn. Ngoài ra, với EVFTA, doanh nghiệp, người dân sẽ có điều kiện tiếp cận máy móc thiết bị, hàng hóa với giá cả phải chăng…
Vị đại biểu TP HCM cũng cho rằng, về thu hút vốn đầu tư, nhiều năm qua Việt Nam thu hút được khoảng 32.000 dự án FDI, trong đó FDI từ EU chỉ khiêm tốn ở mức 2.500 dự án. Hiệp định EVFTA sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận các nhà đầu tư từ EU với công nghệ hiện đại.
“Đáng chú ý, Hiệp định bàn nhiều về nội dung cách thể chế nên sẽ thúc đẩy Việt Nam sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy nhanh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Nhiều cơ hội mở ra song thực tế EVFTA không phải là “mâm cỗ” bày sẵn. Muốn tận đụng được cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.
Điều này nhằm bảo đảm thực thi các cam kết trong Hiệp định theo đúng lộ trình; chủ động tận dụng, phát huy tối đa các lợi ích mà Hiệp định mang lại.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) ví von, khi EVFTA và EVIPA có hiệu lực mới là bắt đầu “cuộc đua” chứ chưa phải “bữa tiệc”. Nếu không tận dụng thành công, Việt Nam vẫn có thể tụt hậu, ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình.
“Khi đó, với 2 hiệp định này sẽ là người khác ăn và nợ ta gánh. Trong cuộc đua này, mong Chính phủ rút kinh nghiệm từ quá trình hội nhập 20 năm, từ đó có chiến lược, thay đổi mạnh mẽ về thể chế để tận dụng thời cơ vàng đem lại, thúc đẩy trong vòng vài thập kỷ tới Việt Nam gia nhập vào các quốc gia phát triển trên thế giới”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Một số ý kiến cho rằng, đi cùng với những lợi ích, cũng cần có những giải pháp để hạn chế những tác động, thách thức từ Hiệp định EVFTA, trong đó có thách thức về sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ từ EU cho doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.
Báo cáo thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày vào sáng 20/5 nêu rõ: Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và các ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại xin kiến nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại một kỳ họp và tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; cho phép áp dụng Hiệp định này với Anh cho đến hết giai đoạn chuyển tiếp ngày 31/12/2020 và có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Đồng thời, giao Chính phủ thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương với Anh trên cơ sở Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh phù hợp bảo đảm lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. |