Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Cầu nối thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam sang thị trường Ấn Độ
  • 27/05/2020
 Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhu cầu về các mặt hàng rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường gần 1,4 tỷ dân này.

Hội thảo trực tuyến “Xúc tiến thương mại thông qua Cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ”. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngày 20/5 Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Hội người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal và Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến “Xúc tiến thương mại thông qua Cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ”.  Theo Ban tổ chức, mục đích hội thảo nhằm tạo ra cầu nối giữa cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp trong nước về các triển vọng thương mại cũng như cơ hội đầu tư kinh doanh tại Ấn Độ.

Phát biểu tại hội thảo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) - Bộ Công Thương Việt cho biết, Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới. Nhu cầu về các mặt hàng rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hàng hóa sang thị trường gần 1,4 tỷ dân này.

Hiện nay, quan hệ thương mại Việt Nam và Ấn Độ có tính bổ trợ, nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu như nông sản và thực phẩm chế biến, đặc biệt quả thanh long và cá ba sa rất được ưa chuộng tại Ấn Độ. Các sản phẩm hạt điều, cà phê, hồ tiêu, cao su, các loại gia vị, quế hồi, thảo quả, đinh hương còn nhiều dung lượng để phát triển thị trường. 

Chính phủ hai nước đều nhận thấy trong giai đoạn hiện nay cần đẩy mạnh hợp tác phát triển chuỗi giá trị trong các ngành hàng dệt may, da giày, thiết bị điện tử, máy móc thiết bị, hàng cơ khí… Nhóm ngành hàng hai nước có thể bổ trợ, tăng cường giá trị gia tăng như: sắt thép, kim loại thường, hóa chất, dược phẩm, nhựa và các sản phẩm từ nhựa…

Ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh, từ năm 2016 đến năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng 2,06 lần từ 5,43 tỷ USD lên 11,21 tỷ USD; xuất khẩu tăng 2,5 lần từ 2,69 tỷ USD lên 6,67 tỷ USD; nhập khẩu tăng 1,65 lần từ 2,75 tỷ USD lên 4,54 tỷ USD. Việt Nam đã chuyển từ nước nhập siêu với giá trị lớn sang xuất siêu 2,1 tỷ USD năm 2019 sang Ấn Độ. Mặc dù vậy, các con số tăng trưởng này còn thấp so với kỳ vọng của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam.

Trước đây, trong quan hệ thương mại với Ấn Độ, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu. Tuy nhiên, kim ngạch nhập siêu trong thời gian qua đã được thu hẹp. Từ năm 2018 Việt Nam bắt đầu xuất siêu. 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ 321 triệu USD, xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD.
Đối với Nepal, một quốc gia nằm trên triền núi phía Nam dãy Himalaya, không có đường bờ biển, phía Bắc giáp Trung Quốc, phần còn lại giáp Ấn Độ, dù là thị trường nhỏ nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam và Nepal đều là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và đã phát triển quan hệ kinh tế, thương mại tốt trong thời gian qua, tuy nhiên kim ngạch thương mại hai chiều còn nhỏ, mới đạt quanh ngưỡng 30 triệu USD/năm. Việt Nam xuất khẩu sang Nepal điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hạt tiêu... Các sản phẩm nhập khẩu là chất thơm, mỹ phẩm, các sản phẩm vệ sinh và một số hàng hóa khác.

Để thực hiện được mục tiêu tăng cường xuất khẩu sang Ấn Độ và Nepal, một trong những kênh giao thương quan trọng và thuận lợi chính là thông qua cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại 2 thị trường này. Ước tính hiện có khoảng 500 người Việt Nam tại Ấn Độ và 40-50 người tại Nepal. 

Bà Nguyễn Thu Hiền, Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp các Nhà nhập khẩu Ấn Độ tại Việt Nam, chia sẻ một số kinh nghiệm tới doanh nghiệp khi xuất khẩu các mặt hàng sang Ấn Độ. Đó là doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ về tập quán, nền văn hóa của nước bạn. Rào cản về ngôn ngữ, cũng như một số thách thức mà doanh nghiệ Việt Nam phải đối diện như: việc vận chuyện hàng hóa bằng đường biển mất nhiều thời gian, đồng thời phải cạnh tranh với các nước như Thái Lan, Malaysia…

Tại hội thảo các đại biểu hy vọng các doanh nhân, trí thức kiều bào với những kinh nghiệm sẵn có cộng thêm nắm rõ thị trường nước sở tại sẽ là lợi thế rất lớn với các doanh nghiệp Việt Nam để tiếp cận thị trường Ấn Độ và Nepal một cách hợp lý và hiệu quả./.

   Theo : BNEWS.VN/ TTXVN

Tin tức liên quan