Trước tình hình đó, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp về cải cách, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thương mại, nước ta cần nhanh chóng xử lý các vấn đề cấp bách như thực thi ngay các chính sách, các khoản tài chính hỗ trợ doanh nghiệp.
Sản xuất suy giảm mạnh do tình trạng “khó khăn kép”
Đánh giá về tình hình sản xuất từ đầu năm 2020 đến hết tháng 4/2020, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, khác với quý I, bước sang tháng 4, toàn bộ nền kinh tế nói chung đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu. Trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3, giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước - mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, một số ngành công nghiệp lợi thế sụt giảm mạnh như ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%... so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8% - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Đại diện Cục Công nghiệp chia sẻ, dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020. Sản xuất công nghiệp ở trong tình trạng “khó khăn kép” thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn ở thị trường đầu ra cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa.
Minh chứng, 4 tháng qua, trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất xe có động cơ giảm 14,2%; sản xuất đồ uống giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%... Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng giảm sâu như: bia giảm 24,1%; ô tô giảm 23,8%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 10,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,5%; sắt thép thô giảm 7,1%; giày, dép da giảm 4,9%.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày đến nay đã chịu tác động rất lớn bởi dịch Covid-19. Khi nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong quý I bị gián đoạn mới được phục hồi trở lại thì từ giữa tháng 3/2020 tới nay lại đối mặt với nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… do các nước áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch. Nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, theo đại diện Cục Công nghiệp, với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dầu khí. Doanh thu khai thác dầu khí sụt giảm mạnh, nhiều mỏ đứng trước nguy cơ giãn hoặc buộc phải dừng khai thác nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời. Hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, lượng tồn kho cao và đối mặt với nguy cơ đầy kho trong thời gian tới. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%.
Đánh giá về tình hình sản xuất của doanh nghiệp trước tác động tiêu cực từ đại dịch thời gian qua, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, bối cảnh hiện tại đặt ra vấn đề lớn đối với mỗi doanh nghiệp, đó là nguồn lao động và sức khỏe của doanh nghiệp. “Trên thực tế, tình trạng tăng giá nguyên phụ liệu cho sản xuất do khan hiếm; hủy, hoãn đơn hàng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn như trả lương người lao động, nhà cung cấp, tiền thuê mặt bằng, lãi vay ngân hàng...” - ông Long nhấn mạnh.
Nhanh chóng cứu doanh nghiệp trước khi quá muộn
Trước tình hình đó, theo Bộ Công thương, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020, chúng ta cần tập trung bám sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình hình dịch bệnh. “Doanh nghiệp tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra” - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khuyến nghị.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, các nghị quyết khác của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là khẩn trương thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu trong tình hình mới.
Đặc biệt, từ quý II cho đến hết năm 2020, Bộ Công thương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Ngoài ra, bộ sẽ duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất Việt Nam có lợi thế như cao su, xơ, sợi..., tập trung phát triển các loại vật liệu cơ bản như thép cán nóng, thép chế tạo, vải, các loại vật liệu mới để bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu.
Cùng với đó, thu hút các dự án dệt nhuộm lớn để sản xuất sợi, vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA. Theo đó, Bộ Công thương chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài kết nối mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm và công nghệ cao đầu tư vào ngành dệt nhuộm trong nước; Hiệp hội ngành hàng phát huy hơn nữa trong việc mời gọi đầu tư, kết nối với các địa phương vẫn đang đón nhận các dự án đầu tư dệt nhuộm để giới thiệu và thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài…
Còn theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp về cải cách, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thương mại cho doanh nghiệp, nước ta cần xử lý các vấn đề cấp bách liên quan đến phòng chống dịch và giải quyết hệ lụy từ dịch bệnh một cách nhanh chóng. “Có thể thấy, ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong thời gian ngắn sắp tới, các đơn hàng được nối lại bình thường thì chắc chắn có nhiều doanh nghiệp không thể gượng dậy, phục hồi sản xuất nhanh. Do đó, không thể chần chừ lâu hơn, các chính sách và khoản tài chính hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng cần được thực thi nhanh chóng, quyết liệt và thực chất, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và việc thực hiện thực tế” - ông Long nhấn mạnh.
“Có thể thấy, ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong thời gian ngắn sắp tới, các đơn hàng được nối lại bình thường thì chắc chắn có nhiều doanh nghiệp không thể gượng dậy, phục hồi sản xuất nhanh. Do đó, không thể chần chừ lâu hơn, các chính sách và khoản tài chính hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng cần được thực thi nhanh chóng, quyết liệt và thực chất, rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và việc thực hiện thực tế” - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. |