Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Công nghiệp Việt Nam “ngấm đòn” từ dịch Covid-19
  • 12/05/2020
 Bước sang tháng 4/2020, toàn bộ nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp nói riêng đều chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước và là đợt suy giảm duy nhất 5 năm qua.

Trong đó ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (năm 2019 tăng 9,2%; năm 2018 tăng 10,7%; năm 2017 tăng 6,6%; năm 2016 tăng 7,4%).

cong nghiep viet nam ngam don tu dich covid 19
Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm 6,8% trong tháng 4/2020.

Ngành khai khoáng giảm 6,8% (4 tháng/2016 giảm 1,6%; 4 tháng/2017 giảm 9,7%; 4 tháng/2018 giảm 1,2%; 4 tháng/2019 bằng cùng kỳ năm trước) chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm.

Với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dầu khí. Doanh thu khai thác dầu khí sụt giảm mạnh, nhiều mỏ đứng trước nguy cơ giãn hoặc buộc phải dừng khai thác nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời. Hoạt động của các nhà máy lọc dầu trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, lượng tồn kho cao và đối mặt với nguy cơ tank-top (đầy kho) trong thời gian tới.

Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8% (cùng kỳ giảm 4,1%). Sản lượng dầu thô khai thác tháng 4 ước đạt 1 triệu tấn, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2019; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 0,8 tỷ m3, giảm 10,3%; khí hóa lỏng ước đạt 68,9 nghìn tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 4,1 triệu tấn, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019; khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 3,2 tỷ m3, giảm 9,8%; khí hóa lỏng ước đạt 278,3 nghìn tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ.

cong nghiep viet nam ngam don tu dich covid 19
Ngành công nghiệp, chế biến chế tạo tăng trưởng 3%.

Ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3% (4 tháng/2015 tăng 10,1%; 4 tháng/2016 tăng 9,7%; 4 tháng/2017 tăng 9,2%; 4 tháng/2018 tăng 12,9%; 4 tháng/2019 tăng 10,9%). Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ giảm 14,2%; sản xuất đồ uống giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 9,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 8,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 8,2%; sản xuất trang phục giảm 6,3%; sản xuất thiết bị điện giảm 3,6%; sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%; sản xuất kim loại giảm 1,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,3%; dệt tăng 1,4%.

Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,9%; khai thác quặng kim loại tăng 16,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 8,2%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: Bia giảm 24,1%; ô tô giảm 23,8%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 10,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,5%; sắt thép thô giảm 7,1%; quần áo mặc thường giảm 5,9%; giày, dép da giảm 4,9%; thép cán giảm 4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 1,7%; alumin giảm 0,7%; ti vi tăng 1%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại tăng 28,5%; xăng dầu các loại tăng 13,9%; phân u rê tăng 11,7%; thép thanh, thép góc tăng 7,7%; than sạch tăng 5,5%.

Cụ thể: Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 0,5% (cùng kỳ tăng 8,4%). Ngành dệt chỉ tăng 1,4% (cùng kỳ tăng 12,1%). Ngành sản xuất trang phục chịu tác động khá lớn khi 4 tháng giảm 6,3%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%.

Các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày đến nay đã chịu tác động rất lớn bởi dịch Covid-19. Khi nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong quý I bị gián đoạn mới được phục hồi trở lại thì từ 16/3 tới nay lại đối mặt với nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… do các nước áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch. Nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán khiến các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn.

cong nghiep viet nam ngam don tu dich covid 19
Dệt may, da giày, chế biến gỗ có nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn.

Ngành sản xuất chế biến thực phẩm ước tính tăng 2,5%, tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước 5,6 điểm phần trăm; ngành sản xuất đồ uống ước tính giảm 13,95% (cùng kỳ tăng 11,6%). Doanh số bán bia của các doanh nghiệp bị giảm sút mạnh. Lĩnh vực kinh doanh rượu vang và rượu mạnh nhập khẩu cũng chịu tác động rất lớn do ngành du lịch và kinh doanh của các nhà hàng giảm mạnh về doanh thu (nhiều nhà hàng giảm đến 50 - 60% doanh thu so với bình thường).

Ngoài ra, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống.

Ngành sản xuất xe có động cơ giảm 14,2% (cùng kỳ năm trước tăng 18,6%). Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ô tô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây của Hiệp hội. Sản lượng ô tô sản xuất tháng 4 ước đạt 6,9 nghìn chiếc, giảm 61,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng ô tô sản xuất đạt khoảng 61,4 nghìn chiếc, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước.

cong nghiep viet nam ngam don tu dich covid 19
Sản xuất xe có động giảm tới 14,2%. 

Còn ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện cũng giảm 8,8%.

Hiện nay, thị trường Hoa Kỳ chiếm 50%, EU chiếm 8% (các thị trường lớn còn lại: Trung Quốc 12%, Nhật Bản 13%, Hàn Quốc 8%) tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam năm 2019. Tương tự ngành dệt may, da - giày và điện tử, xuất khẩu ngành gỗ của Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu.

Có thể nói, dịch Covid-19 đã có những tác động lớn đến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020. Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại dẫn đến tình trạng “khó khăn kép” thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn ở thị trường đầu ra cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa.
Nguồn : Sưu tầm.

Tin tức liên quan