Kinh tế - xã hội nước ta những tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID - 19. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu đang rơi vào tình trạng suy giảm mạnh. Dịch COVID - 19 đã và đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm tổng cung và tổng cầu trên thế giới, gia tăng thất nghiệp, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề,...
Lực lượng DN được coi như huyết mạch của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thất lớn bởi dịch bệnh. DN trong các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, hàng không, hậu cần du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục,… rơi vào tình trạng “ngủ đông” trong suốt 3 tháng qua.
Trong tình hình dịch bệnh, các DN phải đối mặt với “khó khăn kép” vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại…
Theo kết quả khảo sát gần 130.000 DN do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID - 19. Nhóm DN lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số DN) có tỷ lệ DN chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; tiếp đến là nhóm DN vừa (91,1%) và nhỏ (89,7%); tỷ lệ này ở nhóm DN siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ DN) là thấp nhất với 82,1%.
Doanh thu quý I/2020 của các DN giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019.
Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ DN bị thiếu hụt vốn cao nhất. Nhiều DN đã ví dòng tiền như là máu trong cơ thể, thiếu máu thì cơ thể không thể khoẻ mạnh được. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài và trầm trọng thì ắt sẽ ảnh hưởng đến sức sống của DN.
Trong khó khăn vừa qua, cộng đồng DN Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Các DN Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự giải cứu. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh;…
Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay, cộng đồng DN đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các DN khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn.
Khoảng 90% DN được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ các DN khác; trên 50% DN thực hiện giãn công nợ cho DN đối tác; gần 50% DN thực hiện giảm giá; gần 40% chia sẻ khách hàng với DN khác; gần 30% DN chia sẻ thị trường; 6% thực hiện cho DN khách hàng vay; đã có nhiều DN chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
Với thông điệp “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngay từ những ngày đầu có dịch, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cấp, các ngành, các địa phương đã được triển khai quyết liệt và đã đạt những kết quả đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.
Song song với nhiệm vụ chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn thể hiện tinh thần đồng hành cùng DN. Từ khi dịch mới ảnh hưởng tới Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các hoạt động nắm bắt các khó khăn, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng DN, trên cơ sở đó phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch với 07 nhóm giải pháp.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều quyết sách quan trọng đã được các Bộ, ngành nghiên cứu ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như: gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ; gói tín dụng 285.000 tỷ đồng hỗ trợ cho DN thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; gói chính sách tài khóa 180.000 tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP);…
Xác định đây là thời điểm nước ta cơ bản khống chế được dịch COVID-19 và là cơ hội để các DN phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2020 và Hội nghị sẽ chính thức được diễn ra vào sáng 9/5 tới đây.
Hội nghị sẽ tập trung đánh giá tác động của các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong thời gian vừa qua; lắng nghe các sáng kiến, hiến kế tích cực từ phía doanh nghiệp; đánh giá thời cơ, cơ hội để Chính phủ và DN cùng đồng hành đưa ra các giải pháp nhằm nắm bắt, phục hồi sản xuất, phục hồi nền kinh tế và phát triển mạnh mẽ hơn.
Tại buổi họp báo về Hội nghị vào sáng 7/5, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN 2020 được coi như Hội nghị Diên Hồng về lĩnh vực kinh tế, khôi phục lại nền kinh tế sau dịch; là Hội nghị thể hiện lòng yêu nước, sự đoàn kết, nhất trí của toàn thể cộng đồng DN trong nước và nước ngoài tại Việt Nam để cùng Chính phủ vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa đất nước đi lên sau đại dịch COVID-19.
“Hội nghị mong muốn được lắng nghe ý kiến hiến kế, tham mưu của cộng đồng DN với Chính phủ, các bộ, ngành để hoàn thiện, xây dựng các cơ chế chính mới để có sự đồng hành hơn nữa giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với cộng đồng DN trong giai đoạn tới. Đồng thời Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ trực tiếp đưa ra các thông điệp, cam kết đối với sự phát triển của cộng đồng DN. Vì vậy, Hội nghị có tính chất rất quan trọng và rất rộng”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu.
Nguồn : Sưu tầm.