Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Tác động của EVFTA đến nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị
  • 04/05/2020

Tác động tích cực

EVFTA được coi là một trong những hiệp định đầu tư thương mại toàn diện và tham vọng nhất mà Liên minh châu Âu (EU) từng ký kết với một quốc gia đang phát triển. Sau Singapore, đây là hiệp định thứ 2 EU ký kết trong khu vực ASEAN và được kỳ vọng sẽ tăng cường mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, tác động cộng hưởng của Hiệp định này là rất lớn, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, giúp các DN, các nhà đầu tư của các nước, của Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại các thị trường mà hai bên có FTA như:

Về kim ngạch xuất nhập nhẩu

EU hiện là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2017, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần (1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD). Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2018.

Về xuất khẩu, hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn khiêm tốn. Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ EVFTA là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà EU vẫn đang duy trì mức thuế quan cao như: dệt may, giày dép, nông sản... Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 là Hà Lan (6,88 tỷ USD), Đức (6,56 tỷ USD), Pháp (3,76 tỷ USD), Italia (3,44 tỷ USD), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD), Bỉ (2,55 tỷ USD)... Cùng với việc tăng cường quan hệ tổng thể với EU, EVFTA cũng tạo điều kiện tốt để Việt Nam và từng nước thành viên mở ra những cơ hội hợp tác mới trên cơ sở lợi thế của từng nước, đưa hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên ngày càng thực chất và bền vững.

Tác động của EVFTA đến nền kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị - Ảnh 1

Về nhập khẩu, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với hơn 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và có lực lượng lao động trẻ năng động. Dự báo, EVFTA sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong 20 năm tiếp theo. Theo đánh giá của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), việc thực thi và tác động của Hiệp định này sẽ đem đến những thay đổi vượt bậc về xuất nhập khẩu giữa EU và Việt Nam.

Về hoạt động đầu tư

Khi tích cực và chủ động tham gia EVFTA, Việt Nam có lợi thế trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các DN châu Âu. Nông nghiệp, công nghệ cao sẽ là những lĩnh vực tiềm năng được nhiều DN châu Âu quan tâm, trong đó, ngoài việc tập trung nguồn vốn còn đẩy mạnh chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm.

- Về đầu tư của EU vào Việt Nam: Năm 2019, EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc EU) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước. Trong đó, Hà Lan đứng đầu với 344 dự án và 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam (tăng 26 dự án và 692,76 triệu USD vốn đầu tư). Vương quốc Anh đứng thứ 2 với 380 dự án và 3,72 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,58% tổng vốn đầu tư (tăng 29 dự án và 210,10 triệu USD vốn đầu tư). Pháp đứng thứ 3 với 563 dự án và tổng vốn đầu tư 3,60 tỷ USD, chiếm 14,13% tổng vốn đầu tư (tăng 23 dự án nhưng giảm 72,07 triệu USD vốn đầu tư). Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như: BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thuỵ Điển)... Đáng chú ý, xu thế đầu tư của các DN châu Âu chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, nhưng gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, bán lẻ...).

- Về đầu tư Việt Nam vào EU: Nhìn chung, đầu tư Việt Nam sang EU là không nhiều, chủ yếu tập trung vào một số nước như Hà Lan, Séc, Đức. Tính đến ngày 31/12/2018, Việt Nam có 78 dự án đầu tư sang 10 nước EU (Anh, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha và Slovakia) với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 320,20 triệu USD. Trong đó, chủ yếu sang Đức với 29 dự án với tổng vốn đăng ký trị giá 120,3 triệu USD, sang Anh và Quần đảo Virgin thuộc Anh (20 dự án trị giá 144,5 triệu USD), sang Pháp (10 dự án trị giá 5,4 triệu USD), sang Slovakia (2 dự án trị giá 36,4 triệu USD)...

Về phát triển ngành

Theo Nguyễn Thành Công, Phạm Hồng Nhung (2017), các ngành Thủy sản, Dệt may, Da giày - túi xách... sẽ được cắt giảm thuế tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Thủy sản là một trong những ngành tiềm năng và chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Mặt hàng thuỷ sản từ mức thuế vào khoảng 35% sẽ giảm về 0%. Đây sẽ là lợi thế lớn cho ngành Thủy sản Việt Nam vươn lên phát triển và cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác. EU cũng sẽ cho phép nhập khẩu có hạn ngạch một số sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm của Việt Nam vào thị trường nội địa thông qua việc miễn thuế theo hạn ngạch (gạo, cá ngừ đóng hộp, cá viên, bắp ngọt, đường...). 

     

Về lợi thế cạnh tranh

EVFTA cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong thời gian ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam so với các nước ASEAN tại thị trường EU. Là đối tác thương mại lớn với nhiều nước ASEAN, nhưng đến nay, mới chỉ có Việt Nam và Singapore đã kết thúc đàm phán FTA với EU. Thực tế, lĩnh vực thương mại hàng hóa, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Singapore sang EU khác nhau. Đối với các nước ASEAN khác, tiến trình đàm phán FTA với EU hiện đang tạm dừng hoặc bắt đầu chậm hơn Việt Nam. Như vậy, trong giai đoạn 10 đến 15 năm tới, với việc được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại ưu đãi hơn từ EVFTA, các DN Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hẳn so với các nước ASEAN khi tiếp cận thị trường EU. DN Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Đặc biệt là có nhiều cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó giúp nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình.

Một số thách thức

Một là, các DN Việt Nam sẽ đối mặt với không ít thách thức, rào cản kỹ thuật như an toàn thực phẩm vệ sinh dịch tễ, quy tắc xuất xứ... Những quy định về xuất xứ nội khối, tỷ lệ nội địa hóa sẽ đòi hỏi các DN phải đáp ứng tỷ lệ nguyên liệu phụ tùng cho các sản phẩm theo các quy tắc khắt khe. Điều này gây khó khăn cho DN Việt Nam vì nhiều nguyên liệu Việt Nam đang nhập từ Trung Quốc và các nước không thuộc các đối tác có FTA với Việt Nam. Các yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và không dễ đáp ứng.

Hai là, sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ của EU: Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ phải nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, bởi các DN châu Âu có lợi thế hơn hẳn các DN Việt Nam cả về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường lẫn khả năng tận dụng các FTA. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam vẫn chưa được thị trường EU biết đến, hiệu quả công tác quảng bá và thúc đẩy các sản phẩm chưa cao.

Ba là, nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại: Khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ DN, các thị trường nhập khẩu thường có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. EU là một trong những thị trường thường sử dụng các công cụ này nên DN Việt Nam có thể bị lúng túng về mặt pháp lý.

Bốn là, thách thức từ nguồn lao động: Do quá trình dịch chuyển sản xuất, các DN nước ngoài cũng tăng dần làn sóng đầu tư vào Việt Nam, cạnh tranh lao động giữa các ngành nghề cũng trở nên thiếu cục bộ. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong các ngành sản xuất đòi hỏi kỹ thuật cũng trở nên thiếu ở mức báo động trong lĩnh vực sản xuất điện tử, viễn thông, công nghiệp xe hơi…

Một số kiến nghị, đề xuất

Về phía Nhà nước

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh. Theo đó, sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như: Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật Lao động và một số luật về thuế... để phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ  EVFTA đưa ra.

- Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Những cam kết mới cùng các hành động thiết thực sẽ tỷ lệ thuận với niềm tin của các nhà đầu tư.

Chủ động ký kết các thỏa thuận công nhận chung và thỏa thuận tương đương trong từng trường hợp cụ thể với EU, để giảm chỉ phí tuân thú các tiêu chuẩn về biện pháp kỹ thuật, biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của EU.

- Giúp DN nâng cao nhận thức trong việc đối phó với những rào cản phi thuế quan, hoặc đàm phán lại với đối tác nhập khẩu để họ hỗ trợ các DN vượt qua rào cản.

Về phía doanh nghiệp

- Chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế đối với những mặt hàng có thế mạnh, hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Việc tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình sẽ giúp DN định vị lại vị trí, vai trò, tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng, chú trọng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU...

- Cần chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU. Đồng thời, cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, đáp ứng những tiểu chuẩn đặt ra; xây dựng và phát triển thương hiệu... mới có thể tạo nên sức cạnh tranh cho hàng Việt.         

Nguồn : Sưu tầm.     

Tin tức liên quan