Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • 10 nền kinh tế lớn thế giới chao đảo vì COVID-19, Việt Nam tìm lối thoát
  • 27/04/2020

 

10 nền kinh tế lớn nhất thế giới "ngấm đòn" COVID-19

Tại cuộc họp bàn giải pháp khôi phục nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vào chiều 24.4 tại Bộ Công Thương, lãnh đạo các vụ, cục của bộ đã nêu ra những khó khăn của các ngành cũng như các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, mảng thị trường trong nước chịu tác động lớn do dịch COVID-19, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh tiêu thụ hàng hoá trên thị trường.

 

Quý I.2020 tổng mức bán lẻ chỉ tăng 4,67% so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này khiến cho lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước lo ngại về việc khó có thể hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ giao, tổng mức bán lẻ năm nay phải tăng từ 11-12,5%. 

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng cục Công nghiệp cho biết, trong nước 3 tháng đầu năm 2020 dù khó khăn song tình hình sản xuất vẫn có tăng trưởng. 

Tuy nhiên, sang đến tháng 4, chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn về đầu ra. Khi mà thị trường chủ lực của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may - da giày là Châu Âu và Mỹ lại đang ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và phải tạm ngừng các hoạt động thương mại. Vì thế, liên tiếp có những đơn hàng bị hủy, dừng, tạm ngừng từ các thị trường xuất khẩu lớn này.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho rằng, dịch COVID-19 là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi số. Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, doanh nghiệp Việt đang rất thiếu các kỹ năng trên môi trường thương mại điện tử, kể cả các DN lớn.

Đánh giá về dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, dịch COVID-19 diễn biến vượt xa so với dự đoán của thế giới ngay từ giai đoạn đầu tiên. Đến nay, 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đều là trung tâm dịch bệnh và chịu tác động lớn nhất do dịch gây ra, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức… Chính vì vậy nhiều chuyên gia kinh tế lớn trên thế giới đều dự đoán, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. 

Đối với Việt Nam, dù đang kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên, câu chuyện của COVID-19 trên toàn cầu vẫn còn tiếp diễn vẫn phức tạp. Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng, kinh tế Việt Nam hậu COVID-19 phụ thuộc vào 2 điều kiện gồm: Công tác kiểm soát dịch bệnh và sự hồi phục của kinh tế toàn cầu. Cả 2 yếu tố này đều khó dự báo. 

Vì thế, Chính phủ xác định nền kinh tế Việt Nam đang chuyển sang trạng thái mới, giai đoạn, chúng ta phải đưa nền kinh tế trở lại bình thường nhưng vẫn phải đặt những yêu cầu cao nhất của phòng chống dịch bệnh lên trên. 

Chuẩn bị cho nền kinh tế chuyển sang trạng thái bình thường mới

Trong tình hình này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Bộ Công Thương phải sớm xây dựng được tiêu chí, hướng dẫn để đảm bảo thực thi có hiệu quả và nghiêm túc những chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo và bộ Y tế trong vấn đề phòng chống dịch bệnh và an toàn tính mạng của người dân. 

Để đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường có 2 chủ thể quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp và người dân, người tiêu dùng. Bằng sự hỗ trợ tối đa của nhà nước và cơ quan chức năng để giúp cho DN và các hộ kinh doanh khôi phục sản xuất là nhiệm vụ cơ bản.

Chúng ta cũng đã có những gói tín dụng, nên sự đơn giản hoá và minh bạch để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với sự hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần có những gói hỗ trợ thường xuyên hơn nữa cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. 

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, chúng ta phải khai thông thị trường hỗ trợ DN, phải có những chương trình kế hoạch cụ thể trong từng nhóm ngành hàng, sản phẩm...

Bên cạnh tác động tiêu cực, dịch COVID-19 lại mở ra những cơ hội mới trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, kinh tế số, quá trình chuyển đổi kinh tế số. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng triển khai sớm các giải pháp phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Ngoài ra, tái cơ cấu lại các ngành kinh tế, tổ chức lại sản xuất, cũng là một trong những giải pháp để tránh việc đứt gãy nguồn cung khi quá phụ thuộc vào 1 thị trường...

Nguồn : Sưu tầm 

 

Tin tức liên quan