Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Doanh nghiệp dệt may, da giày lo tìm nguồn nguyên liệu thay thế
  • 24/03/2020

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, trong điều kiện khó khăn về nguồn nguyên liệu do phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc, giải pháp được nhiều doanh nghiệp trong ngành tính tới hiện nay là chuyển hướng nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác, cũng như tận dụng khai thác nguồn nguyên liệu trong nước.

Dù vậy, theo ông Cẩm, việc chuyển hướng nguồn nguyên liệu nhập khẩu cần thêm thời gian, chưa kể chi phí cao hơn đáng kể so với nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc do giá nhập khẩu từ các thị trường này cao, trong khi chi phí vận chuyển, kho bãi cũng tăng.

Do đó, phương án sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế trong nước là giải pháp khả thi hơn, được nhiều doanh nghiệp cân nhắc.

Ông Thân Ðức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, bên cạnh nguồn cung lớn nhất là Trung Quốc, sản phẩm áo sơ mi của Công ty từ trước tới nay đã sử dụng đa dạng mẫu vải từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, thậm chí có những sản phẩm sơ mi chủ lực cần tới hàng trăm mẫu vải từ trên 600 nhà cung cấp khác nhau trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung từ thị trường chủ lực là Trung Quốc gần đây, Công ty đã tìm được một số nguồn nguyên liệu thay thế tạm thời có thể giúp duy trì ổn định sản xuất trong vài tháng tới.

Tuy nhiên, ông Việt cũng thừa nhận, hiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc, tình hình thiếu nhân công, nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng...

“Hiện việc sử dụng nguồn cung nguyên liệu vải thay thế từ thị trường trong nước đã được tính đến, bên cạnh đàm phán với đối tác để tạm hoãn hoặc gia hạn thời gian giao hàng, cũng như yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ để có thể sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế”, ông Việt nói.

Với doanh nghiệp đã sớm chuẩn bị cho việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế, kết quả đã khả quan hơn.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HÐQT CTCP Ðầu tư và thương mại TNG cho biết, với lợi thế là các đơn hàng sản xuất FOB chiếm đại đa số, đến thời điểm hiện tại, TNG đã chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo đủ cho sản xuất tới hết quý II/2020 và có kế hoạch chuẩn bị cho đơn hàng quý III, cũng như cả năm.

“Các khách hàng cùng với TNG đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu sớm, từ nhập khẩu của Pakistan hay sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế trong nước, nên Công ty vẫn duy trì sản xuất ổn định. Nhiều khách hàng truyền thống như Decathlon (Pháp) đã tăng đơn hàng lên 29% so cả năm 2019, hay Spormaster (Nga) tăng 73%…”, ông Thời nói và chia sẻ thêm.

Kết thúc 2 tháng đầu năm, TNG đạt tổng doanh thu 559,5 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2020, TNG dự kiến tăng trưởng doanh thu khoảng 10%, tương ứng quy mô tăng lên 4.900 tỷ đồng.

Với lĩnh vực da giày, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa dệt Hà Tây cho biết, Công ty chuyên sản xuất giầy lưu hóa, giầy thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Với tỷ lệ nội địa hóa hiện đã vượt 70%, nên Công ty khá chủ động về nguyên liệu bởi phần lớn các nhà cung ứng trong nước đều có thể đáp ứng.

Tuy nhiên, một số loại vải đặc chủng vẫn cần nhập khẩu nên bị ảnh hưởng phần nào do tình hình dịch bệnh.

“Với đặc thù sản xuất theo hình thức FOB, Công ty đã và đang chủ động tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước, đồng thời đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số loại nguyên phụ liệu.

Hiện nay, vấn đề đặt ra là dù có tìm được nguồn nguyên liệu thay thế, nhưng việc vận chuyển giao hàng khá khó khăn do bị hạn chế để phòng chống dịch. Ðể cần nguyên liệu đúng thời hạn cho đơn hàng, nhiều khi doanh nghiệp phải chấp nhận tăng chi phí vận chuyển lên cao. Ðây là khó khăn doanh nghiệp cần Chính phủ sớm có giải pháp hỗ trợ”, ông Tùng nói.
Nguồn : Sưu tầm

Tin tức liên quan