Khi nỗi lo về nguyên liệu chưa kịp giải tỏa thì mới đây nhiều doanh nghiệp lại nhận được thông báo các đối tác tại thị trường Mỹ và EU sẽ tạm ngưng nhận hàng trong khoảng thời gian từ 3 tuần đến 1 tháng. Thông tin này khiến các doanh nghiệp may mặc vừa phải xoay sở ổn định sản xuất vừa tìm giải pháp giữ chân người lao động.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian dịch bùng phát tại Trung Quốc, do thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp trong ngành đã chủ động chia sẻ nguồn nguyên liệu và chuyển sang phương án sản xuất cầm chừng để cầm cự. Còn hiện nay, khi có nguyên liệu doanh nghiệp lại không thể sản xuất vì chưa xác định chắc chắn thời gian hoãn nhận hàng cũng như sau đó đối tác có tiếp tục thực hiện hợp đồng hay không.
Trong tình thế này, một số doanh nghiệp có điều kiện nguyên liệu phù hợp sẽ chuyển sang sản xuất khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế nhằm hỗ trợ thành phố chống dịch COVID-19. Một số khác thực hiện phương án giãn giờ, giãn ca hoặc giảm số ngày làm trong tuần để kéo dài thời gian duy trì hoạt động sản xuất nhất có thể, ổn định tâm lý cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, phương án này cũng khó thực hiện nếu thời gian đối tác Mỹ và EU ngừng nhận hàng kéo dài hơn 1 tháng như thông báo ban đầu.
Dự báo diễn biến thị trường thời gian tới, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, nhiều khả năng thời gian ngưng nhận hàng của Mỹ và EU có thể kéo dài đến 2 tháng, tức là phải đến cuối tháng 4/2020. Lý do là thời điểm này vẫn chưa phải là đỉnh điểm của dịch COVID-19.
Tại châu Âu bệnh lại lây lan quá nhanh khiến nhiều ngành; trong đó có thương mại, dịch vụ tê liệt, người dân chỉ tập trung vào tích trữ hàng thực phẩm và ở trong nhà để tránh dịch. Dẫn chứng từ Trung Quốc có thể xác định, châu Âu cần ít nhất 2 tháng để kiểm soát được dịch COVID-19. Khi đó đời sống người dân tạm ổn, ngành bán lẻ khởi động lại thì các doanh nghiệp nhập khẩu mới mở lại kho và nhập hàng hóa vào để phân phối.
Mặc dù vậy, vấn đề cấp bách nhất của doanh nghiệp dệt may hiện nay không phải là giao nhận đơn hàng nữa mà là làm thế nào để đảm bảo đời sống cho người lao động.
Theo đó, dù việc xuất khẩu bị đình trệ, doanh nghiệp giảm giờ làm nhưng vẫn phải trả lương cơ bản cho công nhân với mức trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, ước tính một doanh nghiệp quy mô vừa, có khoảng 1.000 lao động thì mỗi tháng phải chi trả hơn 6 tỷ đồng tiền nhân công, chưa kể một số doanh nghiệp lớn hiện có từ 5.000 – 10.000 lao động thì số tiền trả lương hàng tháng lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó dòng tiền của doanh nghiệp bị đọng lại trong nguyên phụ liệu và hàng lưu kho.
"Dệt may là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động nhất, phần lớn là lao động phổ thông, không có khả năng chuyển đổi công việc trong tình hình hiện nay. Do đó, việc duy trì việc làm và thu nhập cho công nhân không chỉ là bài toán sống còn của doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến đời sống xã hội.
Nếu bây giờ doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc thì hàng trăm nghìn con người sẽ đi đâu, làm gì và khi vượt qua được khủng hoảng, doanh nghiệp làm cách nào để tuyển được lao động khôi phục sản xuất là câu hỏi chưa ai trả lời được", ông Phạm Văn Việt bày tỏ lo ngại.
Trước thực tế đó, các doanh nghiệp dệt may đã đưa ra kiến nghị, Chính phủ nhanh chóng giải ngân các gói hỗ trợ đã phê duyệt, đồng thời, xem xét việc cho phép sử dụng một phần các quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục chi trả lương cho công nhân.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và hệ thống ngân hàng cần triển khai ngay các phương án giảm lãi hoặc cho vay không lãi suất các khoản mà doanh nghiệp dùng trả lương cho công nhân trong các tháng tiếp theo cho đến khi hoạt động sản xuất, thương mại quay lại quỹ đạo bình thường.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn được giảm thuế hoặc hoãn đóng thuế thu nhập của năm 2019, sử dụng khoản tiền đó vào việc duy trì vận hành doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh, vài ngày gần đây nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhận được thông báo từ đối tác nhập khẩu phía Mỹ với nội dung sẽ tạm ngưng nhận hàng trong vòng 3 tuần, kể từ ngày 17/3. Tiếp sau đó, các đối tác tại EU cũng gửi thông báo tương tự và thời gian ngừng nhận hàng là 1 tháng.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các khách hàng tại Mỹ và EU đưa lý do dịch COVID-19 đang lây lan với tốc độ chóng mặt tại đây khiến Chính phủ các nước phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới để đề nghị doanh nghiệp Việt Nam hoãn các đơn hàng đặt trước, với các đơn hàng đang sản xuất dở thì tạm dừng đến lúc mở cửa biên giới mới nhập.
Trong khi đó, Mỹ và EU đang là hai thị trường xuất khẩu dệt may lớn và quan trọng của Việt Nam. Nếu tính riêng các doanh nghiệp dệt may Tp. Hồ Chí Minh thì thị trường Mỹ nắm giữ khoảng 50%, EU chiếm khoảng từ 15 -18 % tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm.
Chính vì vậy việc đối tác ở thị trường này thông báo tạm ngưng nhận hàng đồng nghĩa với việc gần 2/3 cánh cửa thị trường của hàng dệt may bị thu hẹp.
"Tuần trước các doanh nghiệp còn chạy đôn chạy đáo tìm nguồn cung ứng nguyên liệu để kịp thực hiện các đơn hàng đặt trước trong quý 1 và quý 2. Đến đầu tuần này doanh nghiệp chưa kịp thở phào khi được tiếp ứng nguyên liệu nhờ tiến triển tốt trong việc kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc thì đã đối diện với việc xuất khẩu bị tạm ngưng.
Nhiều doanh nghiệp chưa kịp phục hồi lại nhịp độ sản xuất lại quay về thế cầm cự", ông Phạm Xuân Hồng miêu tả bức tranh của các doanh nghiệp dệt may trong 2 tuần vừa qua.
Phân tích tác động của thông báo dừng nhận hàng từ đối tác Mỹ và EU, ông Phạm Văn Việt cho rằng, đây là cú "sốc" khá lớn với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, đặc biệt là với những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn sang hai thị trường này.
Bởi trước đó EU và Mỹ luôn khẳng định sự lạc quan về mức độ kiểm soát lây lan cũng như tác động của dịch COVID-19 lên đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp Việt cũng tin tưởng đó là những quốc gia, khu vực có "khả năng đề kháng" và kiểm soát tốt đối với dịch bệnh.
Riêng với Việt Thắng Jean, thị trường Mỹ hiện chiếm từ 30 - 35%, EU cũng chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Đáng nói là sản phẩm của Việt Thắng Jean là hàng thời trang bán theo mùa, do đó nguồn nguyên liệu vải nhập đã được chuẩn bị trước 6 tháng.
Vào thời điểm này, đối tác thông báo ngưng nhập hàng đồng nghĩa toàn bộ kho vải chuẩn bị may bán cho mùa hè năm nay phải chuyển sang năm sau. Khi đó chất liệu đã trở nên lỗi thời, 40% số vải hiện có sẽ phải bỏ hoặc bán cân ký.
Thêm vào đó, việc dừng nhận hàng đột ngột ngay khi đưa ra thông báo đã khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, nhiều container hàng đang trên đường vận chuyển khi đến cảng biển của Mỹ và EU sẽ phải lưu kho, chờ đến khi đối tác nhận hàng. Điều này khiến doanh nghiệp tốn thêm rất nhiều chi phát sinh còn dòng tiền bị "đóng băng", không thể lưu chuyển.
Trong khi đó, ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty May Bình Hòa cho biết, những doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận được thông tin chính thức từ đối tác, khách hàng, chỉ nghe ngóng tình hình từ các doanh nghiệp lớn thì hiện nay cũng như ngồi trên "đống lửa".
Liên quan đến việc các nước châu Âu đóng cửa biên giới gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hiện vẫn chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU hay Hoa Kỳ về việc dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam. Điều này đơn thuần chỉ là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này do gặp khó khăn từ dịch COVID-19.
Qua làm việc giữa Bộ Công Thương, Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ, Phái đoàn liên minh châu Âu cho biết, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân.
Các hàng hóa, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, thuốc men... bởi chính sách này không tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam - EU.
Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng cho biết không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang thị trường này.
Tuy nhiên ông Tạ Hoàng Linh Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng do loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu và Hoa Kỳ đóng cửa vì dịch COVID-19 nên những mặt hàng không thiết yếu như da giày, dệt may sẽ bị ảnh hưởng.
"Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật cùng doanh nghiệp xuất khẩu và thương vụ Việt Nam tại 2 thị trường này để đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày", ông Tạ Hoàng Linh khẳng định./.
Nguồn : Sưu tầm