Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Hanjin phá sản, hàng Việt cũng lao đao
  • 07/10/2016
 Hãng tàu Hanjin chiếm khoảng 5% thị phần vận chuyển hàng hóa của Việt Nam cho các ngành có khối lượng XNK nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… đến các thị trường Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Trung Quốc… Do đó, khi hãng tàu này tuyên bố phá sản, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam không ít thì nhiều cũng gặp khó khăn. Ảnh hưởng toàn diện

Là một doanh nghiệp ít sử dụng dịch vụ của hãng tàu Hanjin, bà Phạm Diệu Hằng, Trưởng phòng XNK, Công ty TNHH Yakjin Việt Nam cho biết, khoảng thời gian Hanjin phá sản, rất may là Công ty không có lô hàng nào trên tàu của Hanjin nên không lo hàng bị ách tắc. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng gián tiếp tới hoạt động XNK của doanh nghiệp cũng đáng kể.

“Tại Việt Nam, giá container, giá thuê tàu đã tăng vọt hơn 100 USD mỗi chi phí từ ngày 1-9. Giá cao hơn như thế nhưng việc tìm thuê container rỗng khá vất vả. Nếu như trước kia cần vận chuyển hàng, chỉ hôm trước hôm sau là có thể tìm được container rỗng, nhưng khoảng 2 tuần trở lại đây, việc này phải mất vài ngày, nhiều lần doanh nghiệp bị trễ hẹn đóng hàng vì không tìm được container”, bà Hằng cho hay.

Về nguyên nhân của tình trạng trên, theo Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến ngày 6-9, Hanjin Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp XNK Việt Nam có 1.516 container NK đang ở các bến cảng, 432 container NK đang ở kho của khách hàng, 1.323 container XK đang ở cảng trung chuyển hoặc ở trên tàu. 

Như vậy, với hơn 3.000 container chưa thể về nước hoặc chưa hoàn thành thủ tục XNK thì chuyện các doanh nghiệp Việt Nam bị thiếu container rỗng là điều tất yếu phải xảy ra. Hơn nữa, đây đang là những tháng cao điểm của mùa XNK, vì thế các bên giao nhận hàng thay thế có được cơ hội để tăng giá mà các doanh nghiệp vẫn “tranh nhau” sử dụng.

Còn với các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ của Hanjin, sức “công phá” của vụ việc là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cung ứng, XNK hàng hóa của doanh nghiệp. Đại diện một doanh nghiệp chuyên về logistics cho biết, doanh nghiệp có một số lô hàng sử dụng dịch vụ của hãng tàu Hanjin. Ngay khi có thông tin hãng tàu này phá sản, doanh nghiệp đã rất lo lắng tìm cách giải quyết để có thể rút được hàng trong container ở cảng và ở những khu vực trung chuyển, giảm thiểu tối đa tổn thất.

Tuy nhiên, việc rút hàng ra với các doanh nghiệp này cũng là một thách thức. Bởi theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, 23 tàu của Hanjin đang đỗ gần bến cảng của 23 quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Mỹ, đang ở trong tình trạng không tháo dỡ hàng hóa vì các cảng từ chối tiếp nhận tàu cũng như hãng tàu Hanjin không dám cho tàu nhập cảng do sợ bị bắt giữ.

Nói thêm về ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho biết, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ của hãng tàu Hanjin đang bị ách lại, không những mất thêm chi phí lưu hàng mà còn gây nguy cơ cao có thể bị khách hàng kiện cáo, đòi bồi thường vì giao hàng không đúng yêu cầu hợp đồng. Vì thế, với những tàu đã cập cảng, các doanh nghiệp chỉ còn cách rút hàng ra khỏi container của Hanjin để chuyển sang hãng tàu khác nhằm kịp giao hàng cho đối tác. 

Doanh nghiệp mất tiền tỷ

Từ khi có thông tin Tập đoàn Hanjin của Hàn Quốc, trong đó có hãng tàu Hanjin Shipping Lines phá sản, các hiệp hội ngành nghề và nhiều bộ, ngành đã đưa ra khuyến cáo đến doanh nghiệp XNK. Trong đó, các thông báo này nhấn mạnh đến việc cố gắng rút hàng ra khỏi tàu của Hanjin, chuyển sang sử dụng dịch vụ của hãng tàu khác.

Tuy nhiên, theo ông Phan Thông, việc rút hàng ra khỏi container của tàu Hanjin không những khó khăn mà các doanh nghiệp còn phải tự chịu thêm một khoản chi phí không nhỏ để thực hiện, rồi đến chi phí thuê mới tàu. Thông thường, các vụ việc này sẽ được bảo hiểm chi trả, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chủ quan, không lường trước được tình huống này để mua bảo hiểm nên đa phần phải tự túc tổn thất. Dù vậy, các doanh nghiệp chủ hàng đều nhận định, doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ để giải phóng hàng hóa, còn hơn là bị khách hàng kiện cáo, mất quan hệ làm ăn.

Cùng với việc nhiều doanh nghiệp bị ách tắc hàng hóa, hoạt động XNK bị ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp logistics, dịch vụ XNK còn có nguy cơ mất tiền tỷ từ công nợ của Hanjin. Ví dụ như doanh nghiệp làm đại lý cho hãng tàu Hanjin là Công ty TNHH MTV Giao nhận Vận tải Thương mại Sài Gòn bị hãng tàu này nợ tiền thanh toán phí hải quan, biên phòng và cảng vụ lên tới gần 290 triệu đồng. Còn theo báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Hanjin nợ của công ty này khoảng 50 tỷ đồng; Công ty Liên doanh Phát triển Tiếp vận số 1 cũng bị nợ 80.000 USD.

Báo cáo của doanh nghiệp đối tác với Hãng tàu Hanjin gửi Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cũng cho biết, Hanjin đang có nhiều khoản nợ với nhiều công ty về tiền neo đậu, xếp dỡ, lưu kho bãi, sửa chữa container… Trong đó, Hanjin nợ Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng hơn 67.000 USD, Công ty Cổ phần cảng Nam Hải hơn 1,5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ khoảng 2 tỷ đồng...

Trước tình hình trên, mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan nắm chắc thông tin việc Hãng tàu Hanjin xin phá sản; hướng dẫn các doanh nghiệp XNK và vận tải biển Việt Nam có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn đề nghị các hiệp hội hướng dẫn doanh nghiệp XNK những thông tin cần thiết để lựa chọn hãng tàu thay thế, tránh chậm chễ trong giao nhận hàng và gây ùn tắc tại cảng; đồng thời trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên với Bộ Công Thương về tình hình nhận hàng, gửi hàng của các DN ký hợp đồng với hãng tàu Hanjin.
theo haiquanonline

Tin tức liên quan