Theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết tháng 7-2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Pháp đạt 2,23 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng thống Pháp Francois Hollande bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5 đến 7-9 nhằm đưa ra định hướng hợp tác giữa 2 nước trong thời gian tới. Chuyến thăm được chờ đợi sẽ thổi một luồng gió mới, động lực mới cho mối quan hệ lâu đời và tốt đẹp giữa 2 nước về mặt chính trị nhưng chưa tương xứng về hiệu quả hợp tác kinh tế thương mại. |
Các mặt hàng xuất sang gồm: điện thoại và các loại linh kiện; giày dép, sản phẩm dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; thủy sản; cà phê;…
Hiện Pháp là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 5 của các doanh nghiệp Việt Nam trong số các thị trường thuộc châu Âu và đứng thứ 13 trong tổng số các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Pháp dược phẩm; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; phương tiện vận tải khác và phụ tùng; sản phẩm hóa chất; sữa và sản phẩm sữa; gỗ; chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh…
Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên theo Tổng cục Hải quan, quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Pháp đã có những bước phát triển tích cực. Qua 5 năm, từ 2010 đến 2015, tổng trị giá trao đổi thương mại hàng hoá 2 nước đã tăng hơn 2 lần.
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến cuối tháng 3-2015, Pháp đứng thứ 16/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 459 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 3,4 tỷ USD. Còn trong 8 tháng đầu năm 2016, Pháp xếp thứ 17 trên tổng số 65 đối tác rót thêm vốn vào Việt Nam với khoảng 139 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam tuy nhiên, các công ty lớn là không nhiều.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với báo chí, ông Oliver Wendling, TGĐ Colas Rail Việt Nam, doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Colas đứng đầu về xây dựng hạ tầng đường sắt, có mặt tại việt nam từ 2015 cho biết: “Thực sự trên phương diện đầu tư chúng tôi đã được tạo những điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án nhằm phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân Việt Nam”.
Tuy nhiên, cũng theo ông, Việt Nam cần phải tổ chức nhiều hơn nữa những sự kiện xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp Pháp biết Việt Nam đang ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực nào.
“Việt Nam và Pháp có khoảng cách địa lý tận 12h bay” đại sứ Pháp ông Jean Noel Poirier nói. Không chỉ là khoảng cách địa lý, mà còn là khoảng cách về văn hoá, do đó, các doanh nghiệp Pháp khi đầu tư vào Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn với các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ông Poirier cho biết thêm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư Pháp chưa xâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam.
Theo đó, trong thời gian tới, cả Việt Nam và Pháp đều phải có những nỗ lực để nâng cao và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và thương mại để tương xứng với tiềm năng và mối quan hệ lâu đời giữa hai bên.
theobaohaiquan