Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Cơ hội cho ngành da giày tại thị trường nội địa
  • 30/08/2016
 Mặc dù đang bị áp đảo ngay tại chính sân nhà, nhưng theo nhận định của các chuyên gia và DN, thị trường nội địa vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các DN giày dép nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn và xu hướng sử dụng sản phẩm chất lượng không ngừng tăng cao.

Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm, song sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Sản phẩm giày dép "Made in Vietnam" tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp và phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt với hàng Trung Quốc. Các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp đã bắt đầu được các DN khai thác trong vài năm gần đây, nhưng số lượng ít và hiện vẫn bị lép vế trước các thương hiệu lớn trên thế giới.

Mặc dù thị phần giày dép Trung Quốc, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang chiếm vị trí áp đảo tại các chợ đầu mối của ngành da giày từ Nam ra Bắc, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên tại chợ đầu mối An Đông (TP.HCM), hàng Việt Nam đang từng bước nâng dần vị trí cạnh tranh so với hàng Trung Quốc nhờ chất lượng và mẫu mã ngày càng được cải thiện. Tại chợ đầu mối An Đông đã có nhiều sạp hàng tập trung bán các các sản phẩm giày dép của Việt Nam. Một số tiểu thương tại đây cho biết, mặc dù hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan bán tại chợ vẫn còn nhiều, tuy nhiên tỉ lệ hàng Việt  Nam cũng ngày càng tăng tại các sạp hàng do nhu cầu của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do hàng Việt Nam ngày càng được cải thiện về mẫu mã và chất lượng, đã có nhiều sản phẩm hàng Việt chất lượng cao có thương hiệu thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng nhờ mẫu mã đẹp, ổn định, chất lượng tốt. Ngoài ra, việc các DN cũng ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc khách hàng cũng góp phần nâng cao vị thế của hàng Việt Nam đối với người tiêu dùng.

Mặc dù không mấy lạc quan về thị trường nội địa trước sự áp đảo của hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái trong khi các DN trong nước đã nhỏ lại yếu, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư kí Hội Da giày Túi xách TP.HCM vẫn thừa nhận, hàng Việt Nam đã có những bước tiến nhất định trong việc chiếm lại “sân nhà”. Theo ông Khánh, trong năm 2015, hoạt động kinh doanh của các DN giày dép tại thị trường nội địa đã có những chuyến biến đáng kể, từ đầu năm đến nay, mặc dù lượng tiêu thụ có xu hướng  giảm nhiều, tuy nhiên nguyên nhân không phải do các hàng nội kém cạnh tranh và do nhu cầu của người tiêu dùng có dấu hiệu giảm sút.

Trước vấn nạn hàng Trung Quốc, hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường, để đứng vững ở thị trường nội địa là một việc không hề dễ dàng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho phần lớn các DN giày dép của Việt Nam hướng vào làm hàng XK thay cho phục vụ người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nhận thức được tiềm năng của thị trường nội địa, trong thời gian gần đây một số DN đã bắt đầu quan tâm hơn đến “sân nhà”. Tuy chưa nhiều nhưng đã có những đơn vị đã mạnh dạn đầu tư về nhà xưởng, công nghệ hướng vào sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, đồng thời nỗ lực triển khai các hoạt động nghiên cứu thị trường, tiếp thị để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại và truyền thống. Gần đây nhất phải kể đến Công ty Giày Viễn Thịnh đã bỏ ra 240.000 tỉ đồng để đầu tư một nhà máy có quy mô lớn, công nghệ hiện đại tại TP.HCM để làm hàng nội địa. Theo ông Trần Thế Linh, giám đốc Công ty Giày Viễn Thịnh, tiềm năng của thị trường nội địa còn rất lớn. Chỉ riêng đối với sản phẩm giày dép nữ, trung bình mỗi năm thị trường nội địa cũng tiêu thụ khoảng 54 triệu đôi giày nữ trong khi sản lượng của ngành giày nội địa khoảng 10 triệu đôi năm, chiếm chưa đến 1/3. Trong đó có một tỉ lệ không nhỏ là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng công ty chỉ chiếm khoảng 5 triệu đôi.

Dư địa của thị trường còn lớn, tuy nhiên ông Trần Thế Linh cũng thừa nhận để đứng vững ở thị trường nội địa không phải là việc dễ dàng vì ngoài việc phải đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng, chế độ bảo hành, các DN làm hàng nội địa còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất khốc liệt từ hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái. Do vậy, dù có tiềm lực nhưng đầu tư cho thị trường nội địa không phải DN nào cũng dám làm.

Nhận định về cơ hội của các DN tại thị trường nội địa, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, trong chiến lược phát triển ngành da giày trong nước, một điều mà các DN có thể làm được là chủ động được chuỗi liên kết nội địa. Hiện nay, một số DN đã hình thành chuỗi liên kết nội địa bằng việc mua nguyên liệu từ những nhà cung ứng nội địa để sản xuất. Do vậy, để phát triển được thị trường nội địa các DN cần đẩy mạnh liên kết để tạo sức mạnh cạnh tranh. Ngoài ra, tham gia vào chuỗi liên kết nội địa còn giúp ngành giày dép thoát ly dần sự lệ thuộc vào nguyên liệu từ nước ngoài. “Để tạo điều kiện phát triển thị trường giày dép nội địa, Lefaso cũng đã có kế hoạch thành lập trung tâm của ngành da giày nhằm hỗ trợ sự liên kết giữa các DN. Ngoài việc hỗ trợ các DN về mẫu mã, nguyên liệu, Trung tâm này còn hợp tác với các đơn vị thiết kế, thời trang để phát triển sản phẩm nhằm giúp cho những DN vừa và nhỏ có thể chủ động hơn trong sản xuất…”, ông Kiệt cho biết. 

theobaohaiquan

Tin tức liên quan