Doanh nghiệp FDI đang đón đầu TPP
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay chủ yếu tham gia vào phần cắt và may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sản xuất theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói, nên giá trị gia tăng còn thấp. Trong tổng số gần 6.000 DN dệt may, số công ty may chiếm tới 70%, công ty dệt chiếm 17%, công ty kéo sợi và nhuộm chiếm 10%. Riêng nhóm sản xuất sản phẩm phụ trợ chỉ chiếm 3%.
Phó Trưởng đoàn Đoàn đàm phán của Việt Nam tại TPP, ông Lương Hoàng Thái cho biết thêm, tình hình đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may, da giày Việt Nam đang khởi sắc hơn bao giờ hết. Khi hầu hết các DN trong nước vẫn “bình chân như vại”, các DN FDI đã rót vốn vào ngành dệt may, da giày Việt Nam nhằm đón đầu các cơ hội mà TPP mang lại. Cụ thể, Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) với Dự án Chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm ở Bình Dương có vốn đầu tư 274 triệu USD. Nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ với Dự án Sản xuất và gia công các loại sợi tại khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai có vốn đầu tư 660 triệu USD. Nhà đầu tư Hồng Kông với Dự án Nhà máy Sợi, vải màu Lu Thai có vốn đầu tư 160,8 triệu USD.
Theo thống kê, ngành công nghiệp dệt may và da giày của Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Ước tính 60 - 70% nguồn nguyên liệu được nhập khẩu, chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Tỷ lệ nội địa hóa của dệt may, da giày Việt Nam còn rất thấp. Hiện nay chỉ mới tự đáp ứng được khoảng 2% nhu cầu bông, 12,5% nhu cầu vải.
Có thể thấy, các DN Việt Nam chủ yếu làm thầu phụ cho các nhà thầu may trong khu vực mà chưa có khả năng tự thiết kế và xây dựng thương hiệu. Hiện chỉ có 2 - 3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là hàng ODM - tức là hàng mà Việt Nam chủ động từ nguyên liệu, thiết kế, sản xuất thành phẩm. Năng lực sản xuất của DN dệt may và da giày Việt Nam cũng chưa cao, sản xuất nhỏ lẻ, phân tán và thiếu sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng trong nước.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN dệt may da giày
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, năng lực cạnh tranh của một quốc gia cần được dựa trên năng lực cạnh tranh của chính các DN. “Chúng tôi đang xây dựng Dự thảo Luật Hỗ trợ DNVVN, theo đó, quan điểm xuyên suốt của chúng tôi là nỗ lực tạo ra khung chính sách hỗ trợ để DNVVN từng bước tham gia vào cụm liên kết ngành, tham gia chuỗi cung ứng, phát triển đồng bộ ngành công nghiệp hỗ trợ”.
“TPP sẽ tạo ra cú hích lớn đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta, đặc biệt là ngành dệt may và da giày. Một ngành sản xuất tạo ra việc làm cho 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 20 tỷ USD, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế, lại được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, thì rất cần được hỗ trợ bởi hệ thống chính sách ưu đãi DN. Do đó, sự chuẩn bị để các DN ngành này tăng sức cạnh tranh là vô cùng quan trọng và cần kíp”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Anh Tuấn, thúc đẩy mối liên kết giữa các DN trong chuỗi giá trị thông qua việc phát triển/quy hoạch các cụm công nghiệp dệt may, da giày là hướng đi tất yếu để các DN dệt may, da giày tận dụng cơ hội từ TPP; tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư vào các công đoạn sản xuất nguyên phụ liệu, dệt và nhuộm.
Đại diện Vietinbank cho biết, DN dệt may, da giày luôn nhận được những hỗ trợ, hợp tác tích cực từ các ngân hàng. Đứng trước vận hội TPP, hệ thống ngân hàng càng nhận thức trách nhiệm chung và sát cánh với DN dệt may, da giày để đón bắt những cơ hội từ TPP. “27 đơn vị trên tổng số 33 đơn vị thành viên của Vinatex là khách hàng của VietinBank. Trong định hướng kinh doanh sắp tới của Vinatex, Tập đoàn sẽ tham gia đầu tư các chuỗi sản xuất liên hợp bao gồm từ khâu kéo sợi, dệt, nhuộm và may mặc, Vietinbank sẽ tham gia tài trợ vốn cho những dự án này”, bà Trần Thị Hồng Anh, đại diện Vietinbank cho biết.
Theo baomoi.com