- Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2016 thành công tốt đẹp
-
14/04/2016
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn
Tham dự diễn đàn có Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ông Ngô Đông Hải, ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng ban, Ban Nội chính Trung ương, Ông Bùi Thế Đức, Phó trưởng ban, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ông Phạm Tấn Công, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, và trên 400 đại biểu là đại diện Lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các Viện nghiên cứu, Doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp xuất khẩu, các Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương, Trung tâm XTTM các tỉnh, thành phố, các chuỗi siêu thị như Lotte của Hàn Quốc, AEON của Nhật Bản, Vinmart của Việt Nam và các phóng viên báo, đài Trung ương và địa phương.
Quang cảnh Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2016
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các nhà doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà nghiên cứu kinh tế trao đổi thông tin, đánh giá cơ hội thị trường cho xuất khẩu, thảo luận về các biện pháp xúc tiến xuất khẩu, phát triển sản xuất, phát triển thị trường, nhằm mục tiêu phát huy năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất chính sách xúc tiến xuất khẩu, các giải pháp nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu có năng lực, đáng tin cậy, bền vững. Diễn đàn năm nay có chủ đề
“Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do nhằm mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu”.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nhận định, trong những năm qua, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (2007) đến nay, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam đã tăng lên 2,94 lần từ mức 111,3 tỷ USD năm 2007 lên mức 327,8 tỷ năm 2015. Trong đó, nhập khẩu tăng 2,6 lần và xuất khẩu tăng 3,3 lần, tương ứng với kim ngạch 165,7 và 162,4 tỷ USD vào năm 2015. Những kết quả nêu trên chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt các cơ hội từ hội nhập và tự do hóa thương mại để xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đã phân tích, đánh giá về cơ hội, thách thức của hội nhập kinh tế đối với nền kinh tế nói chung và xuất khẩu của các doanh nghiệp nói riêng, trong đó có những đánh giá lợi ích kỳ vọng và dự báo khó khăn từ các cam kết về thuế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trao đổi về định hướng chính sách hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các lợi thế và chủ động trước các khó khăn, thách thức trong tiến trình hội nhập kinh tế. Đồng thời, Diễn đàn cũng đã kết nối các tập đoàn phân phối đa quốc gia, các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài và các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tế, thiết thực về gia nhập và phát triển thị trường quốc tế, kiến nghị cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu để có thể chủ động tận dụng có hiệu quả cơ hội từ các FTAs đã ký kết hoặc đang đàm phán.
Theo các diễn giả, doanh nghiệp tham gia diễn đàn, để có được thành công trong quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng trong thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp cần thực thi hàng loạt giải pháp trong đó có việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu, phải coi đây là mục tiêu hàng đầu. Cùng với việc nâng cao chất lượng là tổ chức sản xuất để giảm giá thành, đa dạng hóa mẫu mã, bao bì để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tổ chức việc thu thập, phân tích, khai thác thông tin thương mại một cách trực tiếp và thường xuyên để nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bám sát và tiếp cận được tiến bộ của thế giới trong sản xuất kinh doanh, chủ động tìm kiếm bạn hàng, thị trường, tổ chức sản xuất và xuất khẩu theo nhu cầu và thị hiếu của thị trường. Đồng thời cần quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động XTTM trong và ngoài nước nhằm mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm cơ hội, bạn hàng, nắm bắt được chính xác, thực tiễn nhu cầu thị trường đối với hàng hóa của mình từ đó xây dựng, triển khai phương án kinh doanh sát với thực tế, phù hợp với thị trường./.
theo moit.gov.vn