Ngày 10/11/2014 tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) sẽ đã mời Hiệp Hội Bán buôn và bán lẻ Giày Dép Hoa kỳ (FDRA(*)) cùng tổ chức Hội nghị Xúc tiến Xuất khẩu Da giày. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, giao lưu, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác xuất khẩu với các đối tác nước ngoài. Phóng viên đã có cuộc Phỏng vấn với bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso) trước thềm hội nghị quan trọng này.
Bà đánh giá thế nào về tình hình xuất khẩu và cơ hội giao thương quốc tế của ngành da giày Việt Nam hiện nay?
Hiện nay, ngành Da Giầy Việt Nam là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia. Mặc dù giá trị gia tăng của ngành da giầy không lớn nhưng với trên 800 DN, 1.000.000 lao động, ngành da giầy đã mang lại công việc cho một số lượng lớn lao động phổ thông, trong đó số lao động nữ chiếm tới 85%. Song song với các hoạt động thu hút khá lớn nguồn nhân lực thì DN còn tạo ra an sinh xã hội... đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
Theo số liệu thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 33,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó xuất khẩu nhóm hàng giày dép đạt 2,1 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2013. Thị trường EU vẫn là thị trường lớn của ngành với kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2014 là 716 triệu USD, tăng 26,6%, tiếp theo là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 676 triệu USD, tăng25,6%; sang Nhật Bản đạt 142 triệu USD, tăng 44,6%... so với cùng kỳ năm 2013.
Về các cơ hội giao thương, ngành Da Giày Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn đến từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã và đang được Chính phủ tích cực đàm phán với các nước. Trong đó, nổi bật vẫn là Hiệp định với Khối 12 nước Châu Á Thái bình dương (gọi tắt là TPP), với Liên Minh Châu Âu (gọi tắt là FTAEV), với Liên Minh Hải Quan Nga-Belarus-Kazakhstan, với các Hiệp định của Khối ASEAN sẽ có hiệu lực trong 2015… Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP thì lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5 - 57.4% để hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm da giày về mức 0%, từ đó giúp DN ngành da giày tăng trưởng xuất khẩu. Đây không chỉ được coi là cú huých mà còn là là cơ hội "vàng" cho ngành da giày phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, thời gian tới, ngành Da Giày Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối đầu với nhiều thách thức vốn có trong nội tại của ngành và bản thân từng doanh nghiệp như vấn đề nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực, công tác phát triển sản phẩm, quản trị DN…bên cạnh đó, sẽ phải chuẩn bị đối phó với những thách thức mới, phát sinh từ yêu cầu của những Hiệp định nêu trên.
Có nhiều lợi thế xuất khẩu nhưng thực tế ngành da giày Việt Nam lại đang khá lận đận trong việc tìm hướng xuất khẩu. Theo bà đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Có nhiều nguyên nhân khiến ngành da giày đầy tiềm năng của Việt Nam vẫn lận đận trong việc tìm hướng xuất khẩu. Trước hết, ngành da giày Việt Nam chủ yếu là gia công xuất khẩu, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu (NPL) do nước ngoài chỉ định, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu. Một số loại nguyên phụ liệu chưa có hoặc có rất ít cơ sở sản xuất: giả da, vải không dệt, vải kỹ thuật, cactoong (texon làm đế trong), vật liệu làm pho, phụ liệu, phụ kiện (bằng kim loại, chất dẻo), keo dán và hóa chất. Các loại này hiện nay cung cấp dưới 20%.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm (nguyên phụ liệu) của một số doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (các chỉ tiêu cơ lý, thẩm mỹ như độ đều màu, bền màu ..., các yêu cầu về an toàn sinh thái). Các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhưng chưa đáp ứng được tiến độ giao hàng (do sự thay đổi mẫu mã nhanh chóng và thời gian cung cấp ngắn).
Ngoài ra, trình độ công nghệ, nhân lực cho ngành da giầy ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nên sản xuất nguyên phụ liệu sẽ gặp khó khăn, đặc biệt hiện nay công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu đã ở mức rất cao. Đặc biệt, Việt Nam chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất nguyên vật liệu ngành da giầy: da nguyên liệu, xơ bông, xơ nhân tạo, hóa chất ...
Được biết, Lefaso sẽ phối hợp với Hiệp Hội Bán lẽ Giày Hoa kỳ (FDRA) tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu Da giày. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về hội nghị này?
Được sự hỗ trợ của Chương trình Xúc tiến Thương mại trọng điểm Quốc gia thông qua Cục Xúc Tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp Hội Da giày-Túi Xách Việt nam (Lefaso) đã mời Hiệp Hội Bán buôn và bán lẻ Giày Dép Hoa kỳ (FDRA(*)) cùng tổ chức Hội nghị Xúc tiến Xuất khẩu Da giày với chủ đề nâng cao năng lực kinh doanh, xuất khẩu cho các DN da giày Việt Nam vào ngày 10/11/2014 tại TP.
Hội nghị thu hút sự quan tâm, tham dự của các nhà nhập khẩu đến từ Mỹ, đại diện Bộ Công Thương, Phòng TMCN Hoa kỳ, Phòng TMCN Việt nam, các thương hiệu giày lớn trên thế giới như Nike, Adidas, WWW… và lãnh đạo cấp cao của trên 200 doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu giày, nguyên phụ liệu tại Việt nam.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận một số nội dung như: Tiềm năng xuất khẩu của ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam, đánh giá nhu cầu thị trường, những thuận lợi khó khăn, cơ hội thách thức trong xuất khẩu ; Các rào cản trong thương mại quốc tế liên quan tới sản phẩm xuất khẩu của toàn ngành… ; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam trong giai đoạn tới (Đến năm 2020)…
Đây là cơ hội để Hiệp hội và Ngành Da - Giầy - Túi xách Việt Nam quảng bá hình ảnh, sự lớn mạnh của Ngành trong những năm qua, sẽ nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Ngành và Hiệp hội trong Khu vực Châu Á và trên thế giới, đồng thời là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ, giao lưu, tiếp thu sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiếp xúc với các nhà nhập khẩu, các bạn hàng và đồng nghiệp trên thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác xuất khẩu, giới thiệu năng lực và khả năng của doanh nghiệp. Nhân dịp này, Hiệp hội cũng mời các nhà Nhập khẩu vào Việt Nam tham gia tìm hiểu và khảo sát các doanh nghiệp Da - Giầy - Túi xách Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác.
Kỳ vọng sau hội nghị Xúc tiến xuất khẩu Da giày là gì, thưa bà?
Chúng tôi kỳ vọng, Hội nghị sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các DN (trong và ngoài nước) và toàn ngành nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất, tăng đơn hàng và phát triển xuất khẩu. Thông qua Hội nghị thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác và mở rộng xuất khẩu, chia sẻ thông tin về thuận lợi, khó khăn, cơ hội thách thức đối với mỗi nước trong khu vực và trên thế giới để có các giải pháp thích hợp, tranh thủ các cơ hội khai thác và mở rộng thị trường, lựa chọn chiến lược phát triển các sản phẩm.
Không chỉ vậy, Lefaso cũng mong muốn thông qua Hội nghị quảng bá hình ảnh ngành công nghiệp, giới thiệu tới các đại biểu từ các nước thành viên trong khu vực và trên thế giới tham dự Hội nghị và diễn đàn về tiềm năng xuất khẩu, uy tín của các doanh nghiệp, chất lượng các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và khả năng đáp ứng những yêu cầu đa dạng phức tạp của các bạn hàng, các nhà nhập khẩu…
Đây là một sự kiện lớn của ngành, qua đó, Lefaso đặt ra kỳ vọng là các DN của ngành sẽ hiểu rõ hơn những cơ hội thách thức cũng như thảo luận, đề ra được các giải pháp hiệu quả cho ngành và doanh nghiệp. Cũng qua Hội nghị này, Lefaso mong muốn có sự góp phần tích cực từ các nhà điều hành vĩ mô nhằm tạo điều kiện nhiều hơn nữa thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành Da giày Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo Vietnam Business Forum