Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Doanh nghiệp dệt may, da giày dồn dập đơn hàng cho đầu năm 2025
  • 15/01/2025

Trái với tình trạng "khan hiếm" đơn hàng giai đoạn này năm ngoái, năm nay các doanh nghiệp dệt may, da giày đang hối hả sản xuất, công nhân liên tục tăng ca để kịp hoàn thành những đơn hàng cho dịp cao điểm cuối năm. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp dệt may, da giày đều đã đầy đơn hàng tới cuối năm nay, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng tới quý I năm sau.

Ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: May 10 đang khẩn trương hoàn thành đơn hàng năm 2024 và đơn vị đã kín đơn hàng đến hết tháng hai năm 2025. Hiện May 10 đang đàm phán các đơn mới kéo dài đến quý I/2025 và có khoảng 70% đơn hàng quý I/2025 đã được chốt. Đặc biệt, dự kiến doanh thu của năm 2024 của công ty sẽ tăng từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Ông Long cũng đưa ra dự báo đơn hàng dệt may về Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2025, tuy nhiên, tăng không phải về nhu cầu trên thế giới tăng mà do dịch chuyển từ nước này sang nước khác.

Tương tự, Công ty TNHH may mặc Dony cho hay, Dony đã kín đơn hàng hết năm 2024 và đang đàm phán các đơn mới kéo dài đến tháng 3/2025. Với Công ty Việt Thắng Jean, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc cho biết: Đơn vị nhận được đơn hàng chuyển từ các nước sang, đặc biệt đơn hàng từ Bangladesh dồn về với giá rẻ. Tuy nhiên, các đơn hàng chất lượng cao xuất khẩu sang những thị trường châu Âu không tăng do thị trường chưa phục hồi mạnh.
 
Lý giải về đơn hàng tăng, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phân tích: Sự gia tăng đơn hàng chủ yếu do chuyển dịch từ các quốc gia khác sang Việt Nam, không phải do nhu cầu thị trường tăng.
 
Theo ông Trương Văn Cẩm, dệt may là một trong những ngành sản xuất công nghiệp chủ lực đang có nhiều thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu. Bởi sau khi Fed hạ lãi suất 0,5% vào đầu tháng 9 khi lạm phát của Mỹ, EU có xu hướng giảm, điều này giúp kích thích tiêu dùng ở hai thị trường lớn tiêu dùng hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam với kỳ vọng các đơn hàng sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
 
Cùng với đó, các yếu tố thiên tai, bất ổn chính trị, bất cập về chính sách ở một số quốc gia cạnh tranh tiếp tục là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam đón đơn hàng dịch chuyển. Các yếu tố về mùa vụ, lễ hội và dịp cuối năm, các chính sách giảm giá, kích thích tiêu dùng của các hãng cũng sẽ mang tới mùa mua sắm cuối năm nhộn nhịp hơn.
 
Mặt khác, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội song đơn giá chưa cải thiện. Trương Văn Cẩm nhận định nhu cầu và đơn giá chỉ thực sự cải thiện từ năm 2025.
 
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 9 tháng năm 2024 đã vượt  mốc 32,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ, mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam năm 2024 là rất khả thi. Với tình hình khả quan thời gian gần đây, hiệp hội đánh giá khả năng đạt được mục tiêu này rất cao bởi cuối năm là cao điểm cho đơn hàng và sản xuất dịp Noel, Tết Nguyên đán.

   

Tương tự, đối với ngành da giày, xuất khẩu 9 tháng qua ước đạt 20 tỷ USD, nếu duy trì được tốc độ phục hồi như hiện nay là 10% thì dự kiến xuất khẩu ngành da giày sẽ đạt khoảng 27 tỷ USD trong năm 2024.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, đơn hàng hiện đang hồi phục trở lại nhiều doanh nghiệp da giầy đã có đơn hàng đến cuối năm 2024, một số doanh nghiệp có đơn hàng hết quý I năm 2025. Bà Xuân cũng cho hay, mức tăng trưởng 2 con số đạt được là khá khả quan. Năm 2024, nhiều khả năng ngành da giày sẽ về đích với 27 tỷ USD. Theo một số doanh nghiệp sản xuất da giầy, đơn hàng nhận được hết năm 2024, hiện có công ty đã nhận được đơn đặt hàng đến tháng1, tháng 2 năm 2025.

Theo Ngọc Trần (TTXVN)

Tin tức liên quan