Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Doanh nghiệp da giày Việt tận dụng cơ hội tăng giá trị thương hiệu
  • 13/01/2025

Bà Kiều Thị Tâm Anh, Giám đốc công ty Công ty TNHH MTV Catlongs  cho biết, hướng tới xuất khẩu xanh, công ty đã sử dụng nguyên liệu tái chế để sản xuất các sản phẩm giày dép. Đặc biệt, các sản phẩm đế giày làm từ vỏ trấu, vỏ đậu phộng của công ty đã được xuất khẩu đi châu Âu trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TBS Group cho hay, cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da, giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, xu hướng "xanh hóa" trên thế giới đang đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu.

Đối với doanh nghiệp ngành da giày, áp lực chuyển đổi xanh rất lớn khi dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường còn ở mức cao. Do vậy, doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh… nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, xu hướng sản xuất xanh là xu hướng chung của các doanh nghiệp da giày hiện nay để giữ vững kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với ngành da giày lúc này là đáp ứng các quy tiêu chuẩn mới mà nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra, đó là tính bền vững trong sản xuất, yêu cầu về trách nhiệm xã hội...

Điển hình như thị trường EU, đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững, truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Những chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.

Theo Hiệp hội Da giầy túi xách Việt Nam, xuất khẩu da giày là điểm sáng của xuất nhập khẩu hàng hóa thời gian qua. Hiện nay, Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần.. Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.

Tuy nhiên, xuất khẩu da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nếu như trước đây, các hoạt động về phát triển bền vững chủ yếu do khách hàng đưa ra và mang tính khuyến khích, thì ngày nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ Chính phủ của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn.

Năm 2025, ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.

 

Trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu yêu cầu cao hơn về tính bền vững, minh bạch của sản xuất, bà Xuân khuyến nghị, doanh nghiệp cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, bảo đảm trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường. Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, việc nâng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu được kỳ vọng là giải pháp để các doanh nghiệp da giày trong nước tận dụng được các lợi thế để phát triển.

Để làm được điều này, theo bà Xuân thì phải làm sao có thể thành lập và phát triển được một trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Hiện nay, yêu cầu về nguồn gốc đối với nguyên phụ liệu đang ngày càng chặt chẽ, thể hiện rõ qua các luật mà phía EU cũng như phía Mỹ sẽ áp dụng. Nếu như chúng ta kiểm soát được các câu chuyện này thì chúng ta mới có thể xuất khẩu được thành công...

Năm 2024, ngành da giày - túi xách đã đạt tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy ước đạt 27,04 tỷ USD, tăng 11,45%; trong đó, xuất khẩu giầy dép đạt 23,24 tỷ USD, tăng 13,16 % và valy - túi - cặp đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,7 % so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Ngọc Trần (TTXVN)

Tin tức liên quan