Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày luôn nằm trong top cao, nhưng ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do phần lớn phải nhập khẩu nguyên liệu. Vì vậy, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu theo hướng xanh hoá là yêu cầu thiết yếu để nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng.
Từ năm 1998 đến nay, 26 năm liên tiếp giày dép xuất khẩu luôn nằm trong nhóm các mặt hàng tỷ đô và có kim ngạch cao. Đặc biệt, ngành da giày luôn tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển, phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu. Do đó, việc đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn.
Kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024
Ngành da giày Việt Nam tận dụng tốt các FTA
Theo số liệu của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 5,7%. Lefaso dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đức Thuấn Chủ tịch Lefaso cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về sản xuất giày dép với 1,3 tỷ USD/năm, chiếm 7,3% thị phần. Ngành da giày cũng tận dụng tốt các EVFTA, CPTPP.
Có thể thấy, cơ hội và tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày là rất lớn. Tuy nhiên, ngành này đang gặp khó khăn là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển.
Các doanh nghiệp da giày mới chủ yếu tập trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu, do đó phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất phải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN. Từ đó, việc đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội địa khối theo yêu cầu của các FTA là trở ngại lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Da giày TP.HCM, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày chưa đạt được sự mong mỏi của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất…
Ngành da giày gặp khó khăn khi công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển
Đại diện Lefaso cho rằng, thời gian tới, ngành da giày Việt Nam sẽ tham gia sản xuất nhiều dòng thuộc phân khúc cao cấp hơn, vì thế việc đầu tư phát triển nguyên phụ liệu cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao hơn. Trong đó, đặc biệt phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hoá và minh bạch bằng việc xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam.
Đây sẽ là nơi tập trung mẫu, phân phối nguyên phụ liệu; đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó giúp gỡ được nút thắt về nguyên phụ liệu.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đạt 75-80% với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Đứng trước mục tiêu đó, Việt Nam cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những Tập đoàn đa quốc gia, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ da giày phù hợp với xu hướng thời trang hiện nay đang thay đổi liên tục.
Ngành da giày Việt Nam phải chuyển đổi xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng
Trong bối cảnh hiện nay, bài toán thiếu nguyên phụ liệu của ngành da giày cần lời giải mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa. Điều này có thể quyết định sự tồn tại của một ngành sản xuất. Như chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói: “Không đáp ứng được các yêu cầu, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”.
Thực tế, dư địa thời gian cho phát triển khâu thượng nguồn của ngành da giày không còn nhiều, thậm chí là ngắn. Vì vậy, cần thiết phải có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành. Trong đó, vấn đề thiết yếu là thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên liệu phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hoá và minh bạch.
Theo ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trên cơ sở Nghị quyết 115/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã cho xây 5 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng, trong đó có 3 trung tâm của ngành cơ khí và 2 trung tâm của ngành dệt may, da giày.
Các chuyên gia đánh giá, việc ban hành chính sách phát triển các cụm công nghiệp da giày theo từng vùng là định hướng phát triển mới có tính hiệu quả và khả thi cao. Để xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín cho ngành, những giải pháp cho phát triển công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên hướng đến doanh nghiệp trong nước. Cần phải giúp doanh nghiệp trong nước đứng vững trước các biến động của thị trường thế giới, đồng thời cũng tránh tình trạng bị nhà đầu tư nước ngoài mượn quy tắc xuất xứ để hưởng lợi trong xuất khẩu.
Xanh hoá ngành da giày là yêu cầu bắt buộc
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành da giày cần quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường. Hiện nay xu hướng của thế giới là thời trang bền vững. Vì vậy, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là xu hướng mà còn là bắt buộc với cộng đồng doanh nghiệp ngành da giày. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành này nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chia sẻ tại Hội nghị Quốc tế ngành da giày lần thứ 41 (CIFA 41) diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT TBS Group, Chủ tịch CIFA 41-2024 khẳng định rằng, doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyển sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Thuấn, muốn làm được như vậy cần có sự thay đổi trong vấn đề nghiên cứu phát triển trong thiết kế, nguyên vật phụ liệu, đầu tư ứng dụng công nghệ và phương thức phân phối, kênh phân phối. Sự thay đổi cần hướng đến yếu tố chất lượng, thẩm mỹ, giảm chi phí, đặc biệt là giảm phát thải CO2 hướng đến phục vụ cho người tiêu dùng đầu cuối.
Ví dụ như trường hợp của Trung Quốc, quốc gia này không chỉ sản xuất và xuất khẩu giày dép đứng đầu mà còn là nước xuất khẩu nguyên phụ liệu cho ngành da giày số 1 với chuỗi cung ứng cùng các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về ngành này.
Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Lefaso và các doanh nghiệp thành viên nên học tập theo mô hình của Trung Quốc và các nước tiên tiến nhằm hướng đến hoạt động sản xuất phát triển bền vững của ngành da giày Việt Nam.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn