Dự kiến về đích với 26-27 tỷ USD
Da giày là một trong số các ngành hàng duy trì được phong độ xuất khẩu từ đầu năm tới nay. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 12,8 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. “Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến ngành đạt 26-27 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho năm 2024”, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - cho hay.
Kim ngạch xuất khẩu da giày tăng nhờ đơn hàng đã cải thiện rõ rệt so với cùng thời điểm trước. Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định là một điển hình, đơn hàng nhận được của doanh nghiệp tăng hơn 30%, đảm bảo cho người lao động làm việc đến tháng 9 - 10/2024. Để có được lượng đơn hàng này, bên cạnh những khách hàng truyền thống như Mỹ và EU, Tập đoàn Gia Định đã mở rộng thêm khách hàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và khai thác những thị trường ngách như Nam Phi, Mexico…
Bà Xuân cho biết, trong số các thị trường nhập khẩu sản phẩm da giày của Việt Nam, Trung Quốc là thị trường tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao. “Đây cũng là thị trường quan trọng giúp ngành hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm nay”, bà Xuân nói.
|
Doanh nghiệp da giày khó tiếp cận thông tin về các luật mới của các thị trường xuất khẩu lớn. Ảnh: Cấn Dũng |
Bên cạnh đó, ngành da giày đã tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Cần thêm hỗ trợ về thông tin
Xuất khẩu tăng là niềm vui nhưng lãnh đạo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam vẫn lo lắng khi cho hay nhiều thử thách khó đang chờ đợi doanh nghiệp da giày trong nước.
Đầu tiên là Ấn Độ, xuất khẩu vào thị trường này gặp khó khi Chính phủ Ấn Độ đưa ra điều kiện nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu phải tuân thủ việc kiểm soát trực tiếp và được cấp giấy chứng nhận BIS.
Quá trình thực hiện rất vướng, doanh nghiệp Việt Nam đã liên hệ với các nơi cấp chứng chỉ tại Ấn Độ nhưng rất khó khăn. “Vấn đề này không mới, hiệp hội đã kiến nghị và Chính phủ cũng đã có ý kiến với phía Ấn Độ để giải quyết nhưng tiến độ rất chậm. Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ để đẩy mạnh thực hiện thủ tục”, bà Xuân nhấn mạnh.
Hơn nữa, Ấn Độ nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc nhưng quá trình này hiện không thuận lợi, là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng.
Về thị trường Brazil, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam nhận được thông tin Brazil mong muốn được gỡ bỏ giấy kiểm định thực vật với da xanh. Loại da này đã qua chế biến, không gây hại với môi trường, nếu quy định này được gỡ bỏ sẽ giảm được chi phí và rút ngắn thời gian giao hàng. “Nếu chúng ta cùng với Brazil gỡ bỏ được quy định này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp 2 nước hợp tác”, bà Xuân nhấn mạnh.
Liên quan đến tăng trưởng xuất khẩu của ngành sang một số thị trường có tốc độ khá nhanh như Mexico, có nguy cơ bị áp dụng thuế chống bán phá giá. Hiệp hội cũng đã nhận được một số cảnh báo. Do vậy, hiệp hội mong muốn Thương vụ Việt Nam tại Mexico chia sẻ thông tin kịp thời để doanh nghiệp có sự chuẩn bị.
Lãnh đạo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng nhấn mạnh, thiếu nguyên phụ liệu tiếp tục là ‘nút thắt’ của ngành. Để giải quyết, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị thành lập một trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam.
Theo bà Xuân, trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề. Hiện nay yêu cầu về truy xuất nguyên phụ liệu ngày càng chặt chẽ, điều này thể hiện qua các đạo luật EU và Mỹ sẽ áp dụng. Trong đó đạo luật chống phá rừng; đạo luật liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng và sắp tới là một loạt đạo luật liên quan đến sinh thái; hộ chiếu số với sản phẩm; áp dụng thuế carbon đối với các mặt hàng xuất khẩu mạnh sẽ được thực thi.
“Tất cả những đạo luật trên đều liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng và không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà truy xuất cả các nhà sản xuất nguyên phụ liệu mà chúng ta nhập khẩu. Nếu không kiểm soát được chuỗi cung ứng, giày dép Việt sẽ không thể xuất khẩu được, đây thực sự là mối lo ngại lớn”, bà Xuân bày tỏ.
Do vậy, bà Xuân kiến nghị, việc triển khai những đạo luật này ra sao, doanh nghiệp trong nước chưa tiếp cận được. Ví dụ, đạo luật chống phá rừng, các doanh nghiệp sản xuất từ nguyên phụ liệu phải chứng minh không có vi phạm nằm trên vùng rừng nguyên sinh trước kia hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm nào liên quan đến chống phá rừng. Để chứng minh được điều này phải tiếp cận quy trình thủ tục ra sao để chứng minh thì doanh nghiệp chưa tiếp cận được.
“Chúng tôi mới tiếp cận được qua bên thứ 3 là nhà đánh giá và cung cấp chứng chỉ này nhưng cũng chỉ tìm hiểu được số thông tin rất nhỏ và thông tin hiện nay rất thiếu. Đề nghị Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài làm sao có được thông tin, truyền tải và tập huấn cho doanh nghiệp”, bà Xuân mong muốn.
Nguồn: congthuong.vn