Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Những cơ hội lớn cho ngành da giày Việt Nam
  • 23/07/2024

 

 

 

 

Chủ tịch CIFA 41-2024; Chủ tịch LEFASO ông Nguyễn Đức Thuấn phát biểu khai mạc tại hội nghị

Trong hai ngày 9 và 10.7.2024 tại TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra các hoạt động như hội chợ, hội thảo của Hội nghị Quốc tế ngành Da giày-Túi xách (CIFA) - lần thứ 41. Hội nghị lần này do nước chủ nhà Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO) đăng cai tổ chức.

Trong hội nghị, các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh và xuất nhập khẩu của ngành đã được các hiệp hội của 17 nước thành viên CIFA và gần 200 doanh nghiệp của LEFASO báo cáo, bàn bạc thảo luận, nêu ra những vấn đề cốt lõi, và các giải pháp để phát triển.

Ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), đồng thời là Chủ tịch CIFA năm 2024 cho rằng: Chuỗi cung ứng ngành da giày toàn cầu hiện nay đang gặp nhiều thách thức, vì chịu tác động lớn từ đại dịch trong những năm qua, những xung đột trong cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước và các chính sách khác biệt giữa các quốc gia đối với ngành sản xuất – xuất khẩu mặt hàng da giày.

 

Tham dự tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đã phát biểu: xu hướng xanh hóa trên thế giới ngày càng khắt khe, đã đòi hỏi các doanh nghiệp, đặc biệt các đơn vị xuất khẩu phải chuyển đổi xanh, hướng tới kinh tế tuần hoàn, bền vững nếu không muốn bị bỏ lại. Theo bà Phan Thị Thắng, doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, phải áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu...

 

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng trên diễn đàn CIFA lần thứ 41 - PBC

Theo Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, năm 2023, một đối tác tại châu Âu đã dịch chuyển khoảng dưới 20% sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam và dự kiến chuyển tiếp 10% trong năm nay. Một khách hàng khác từ Mỹ cũng đang dự tính chuyển đơn hàng sản xuất khoảng 1 triệu đôi giày sang Việt Nam vào năm nay, trong khi tổng sản xuất hàng mỗi năm của họ chỉ từ 18 đến 20 triệu sản phẩm. Tuy nhiên, để đón đầu thị trường, đơn hàng từ các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam phải cam kết đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, giá thành, các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội…

Theo đại diện hiệp hội các nhà sản xuất giày dép Đài Loan (Trung Quốc), nếu trước đây điều kiện chi phí nhân công rẻ là yêu cầu hàng đầu từ khách hàng nhưng hiện nay khách hàng đang có những yêu cầu mới về phát triển bền vững. Việc phát triển bền vững không chỉ là một yêu cầu, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp da giày tại Việt Nam nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bằng cách chuẩn bị sớm và đầu tư vào các biện pháp bền vững, doanh nghiệp có thể đối phó với chi phí tăng và đồng thời tạo ra lợi ích lâu dài cho cả môi trường và xã hội.

 

 

 

Lãnh đạo các Hiệp hội thành viên của CIFA chụp hình lưu niệm - PBC

Kết nối, hợp tác và hướng đến chuỗi cung ứng ngành da giày hiệu quả

Ông Nguyễn Đức Thuấn cho rằng, những thách thức và trở lực này đã làm thay đổi các cấu trúc và phương thức sản xuất kinh doanh của ngành da giày thế giới. Do vậy, ông Thuấn kêu gọi lãnh đạo các hiệp hội da giày, doanh nghiệp ngành da giày trong tổ chức CIFA và thế giới cần tăng cường hợp tác, tạo ra các kết nối kịp thời, hiệu quả để ổn định chuỗi cung ứng hướng đến phát triển bền vững theo xu hướng chung trong nền kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo các hiệp hội da giày, doanh nghiệp ngành da giày trong tổ chức CIFA và thế giới cần tăng cường hợp tác, tạo ra các kết nối kịp thời, hiệu quả để ổn định chuỗi cung ứng hướng đến phát triển bền vững

Ông Nguyễn Đức Thuấn cũng đưa ra đề nghị rằng, ngành thời trang da giày thế giới cần mạnh dạn thay đổi để theo kịp thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của khách hàng toàn cầu. Và như thế, vấn đề nghiên cứu phát triển trong thiết kế, nguyên vật phụ liệu, đầu tư ứng dụng công nghệ và phương thức phân phối, kênh phân phối cũng cần có sự thay đổi – hướng đến yếu tố chất lượng, thẩm mĩ, giảm chi phí, giảm phát thải CO2 hướng đến yếu tố phục vụ cho người tiêu dùng đầu cuối.

Ông Nguyễn Đức Thuấn cũng quan tâm và đề nghị lãnh đạo và diễn giả các nước tham dự CIFA lần thứ 41 lần này chia sẻ với hội nghị các vấn đề về luật đầu tư, các chính sách cụ thể đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu, về nguồn lực lao động, tiền lương, thuế, logistics… của các nước để các thành viên có thông tin, hiểu được những tương đồng và khác biệt giữa các nước trong ngành sản xuất da giày, từ đây có thể tạo ra môi trường hợp tác đầu tư giữa các nước trong lĩnh vực này.

Được biết, năm 2023 vừa qua, mặc dù ở trong bối cảnh kinh tế chung có nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày-túi xách của Việt Nam đã đạt trên 24 tỷ USD.

Bà Phan Thị Thắng cũng cho rằng Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đặt kỳ vọng đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách sẽ đạt 38 - 40 tỷ USD và đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển một số thương hiệu khu vực và thế giới.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị Lefaso và các thành viên, đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển ngành nguyên phụ liệu, thiết kế mẫu mã. Học tập theo mô hình Trung Quốc và các nước tiên tiến nhằm hướng đến hoạt động sản xuất phát triển bền vững của ngành da giày, túi xách Việt Nam theo tinh thần của Quyết định số 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo: https://cuuchienbinh.vn/

Tin tức liên quan