Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Cơ hội cho ngành da giày Việt Nam khi Trung Quốc đang giảm dần lợi thế
  • 23/07/2024

Cơ hội cho Việt Nam

Ngày 9/7, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2024 nhằm mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt tìm kiếm đối tác xuất khẩu. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Da và Giầy Việt Nam, diễn ra từ ngày 10-12/7 tại TP.HCM.

Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2024.

Nửa đầu năm 2024, dù kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn, là cơ hội thuận lợi cho phát triển; song tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bất ổn địa chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự ổn định, phát triển toàn cầu.

Đại diện từ nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… cho rằng, hiện nhiều “ông lớn” đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc - “công xưởng thế giới” bởi những rủi ro trong chính trị và kinh tế khi địa chính trị toàn cầu có những thay đổi khó lường. Do đó, “công xưởng thế giới” không còn mạnh như trước, đây là cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo Lefaso, bằng chứng là năm 2023, một đối tác tại châu Âu đã dịch chuyển khoảng dưới 20% sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam và dự kiến chuyển tiếp 10% trong năm nay.

Trong khi đó, một khách hàng khác từ Mỹ cũng đang dự tính dịch chuyển đơn hàng sản xuất, với khoảng 1 triệu đôi giày sang Việt Nam vào năm nay khi tổng sản xuất hàng mỗi năm của đơn vị này chỉ dao động từ 18 - 20 triệu đôi.

Thông tin từ Lefaso, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, Lefaso dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Như vậy, trước làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang nhiều quốc gia khác, Việt Nam nói chung và ngành da giày nói riêng đang có nhiều cơ hội.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, Việt Nam là quốc gia có nhiều Hiệp định thương mại tự do, chiếm hơn 60% khối lượng thương mại toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.

Do đó, Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư ngành da giày vào Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam cũng đã ký kết chiến lược phát triển ngành da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Trong chiến lược này Việt Nam muốn thu hút nhiều nhà đầu tư vào ngành da giày, trước tiên là các nhà sản xuất nguyên phụ liệu.

“Ngoài ra, tại khu vực Tây Nam Bộ và miền Trung Việt Nam vẫn còn nhiều lao động, chi phí nhân công rẻ, diện tích đất trống lớn… Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp tục phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành da giày của Việt Nam”, bà Thanh Xuân chia sẻ.

Ngành da giày cần nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để tận dụng cơ hội từ thị trường.

Nhiều thách thức

Hiện nay, rất nhiều thách thức trong phát triển ngành kinh tế nói chung và ngành da giày nói riêng. Thứ nhất, kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục nhưng vẫn đang đối mặt với những thách thức mới từ xung đột ở EU, Trung Đông…

Thứ hai, thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) ở mức 15% được áp dụng từ ngày 1/1/2024 ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm tất cả đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Thứ ba, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và các vấn đề liên quan thuế môi trường áp dụng ở châu Âu và nhiều đối tác thương mại khác các nước Việt Nam đã bắt đầu.

Đặc biệt, theo TS Nguyễn Minh Phong, Biên tập viên Cao cấp, Thư ký Hội đồng khoa học - nghiệp vụ Báo Nhân dân, gần đây, các nước nhập khẩu giày dép lớn liên tiếp đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao (như EPR - mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, CBAM - Cơ chế định giá carbon).

Điển hình từ tháng 3/2024, thị trường EU đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững và truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất. Những chính sách này trực tiếp và gián tiếp đang và sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành da giày Việt Nam.

Do đó, theo bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, xu hướng xanh hóa trên thế giới đang ngày càng đòi hỏi khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Theo : https://baodautu.vn/

Tin tức liên quan