Thưa bà, xin bà cho biết, trong năm 2023, ngành da giày đã đạt được những kết quả như thế nào?
Năm 2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành da giày. Tổng sản xuất của ngành chủ yếu dành cho xuất khẩu, song do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát, đặc biệt tại hai thị trường chủ lực là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) khiến sức tiêu thụ đều giảm, kéo theo đơn hàng giảm, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Dự kiến cả năm kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 24 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù không đạt như kỳ vọng, nhưng hiệp hội đánh giá kết quả này là khả quan so với thực tế khó khăn của ngành trong thời gian qua.
Bà có thể dự báo những thuận lợi và khó khăn đối với ngành da giày trong năm 2024?
Năm 2024 được dự báo vẫn đầy khó khăn, thách thức với ngành da giày. Cùng với đó, chính sách thương mại tại những thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày đang thay đổi nhanh chóng. Đến thời điểm này, phát triển bền vững không phải là chủ đề mới mẻ nữa. Nói như vậy để khẳng định, muốn tồn tại, tham gia vào chuỗi cung ứng, bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất phải tuân thủ những yêu cầu này. Bên cạnh đó, thách thức tới từ việc các chi phí đầu vào ngày càng gia tăng. Đó là sức ép lớn đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngành da giày vẫn có những lợi thế, kỳ vọng phát triển. Điều đó thể hiện qua việc ngành da giày cũng tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Việt Nam có những chính sách cởi mở để hỗ trợ cho việc phát triển của ngành, cũng như sở hữu nguồn lao động dồi dào, kỹ năng tốt. Đặc biệt, ngành da giày Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu, uy tín tại các thị trường, trong đó có nhiều thị trường lớn, khó tính như Hoa Kỳ, EU…
Để tham gia chuỗi cung ứng, ngành da giày buộc phải chuyển đổi sản xuất xanh bền vững. Ảnh: TTXVN.
Mặc dù Việt Nam có 15 FTA đã ký kết, nhưng rõ ràng, nếu không đáp ứng được các yêu cầu của đối tác thì doanh nghiệp cũng không thể khai thác được các lợi thế từ các FTA đem lại. Vậy hiện nay, ngành da giày đã đáp ứng ra sao về phát triển bền vững, xuất khẩu xanh, thưa bà?
Việc các doanh nghiệp phải sản xuất theo mô hình phát triển bền vững theo yêu cầu của khách hàng cũng như sự tự nguyện của các doanh nghiệp khi muốn nâng cao năng suất và năng lực nội tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này đã và đang trở thành yêu cầu bắt buộc từ các nước, khi loạt các chính sách mới đang, sắp và sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Ví dụ, thị trường EU đã đưa ra một loạt chính sách mới về sản phẩm sinh thái, hay là trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, tái chế, đặc biệt yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon... Một loạt các chính sách đó sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới và yêu cầu tất cả các quốc gia xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ. Chúng ta có thể thấy rõ ràng đó là một trong những thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong đó có Việt Nam. Nếu chúng ta muốn tham gia chuỗi cung ứng thì không có cách nào khác là phải tuân thủ quy định của khách hàng.
Khi tuân thủ các quy định này thì các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp rất nhiều nhằm củng cố năng lực nội tại. Câu chuyện nâng cấp bắt đầu từ công nghệ, quản lý, tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào đang ngày càng gia tăng, trong khi đó, các chi phí đầu ra tăng thấp, đó là sức ép với các doanh nghiệp. Trước bối cảnh này, điều trước tiên là doanh nghiệp phải nắm bắt kịp thời các thông tin. Khi có thông tin, sẽ có thể xây dựng kế hoạch cụ thể để ứng phó. Doanh nghiệp cũng phải thay đổi cách quản lý, phải ứng dụng chuyển đổi số để dòng chảy dữ liệu trong nhà máy liên tục để người lãnh đạo cập nhật thông tin, ra quyết định kịp thời thì mới có thể nắm bắt và đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Theo tôi, doanh nghiệp trong ngành cần chú trọng đến việc xây dựng một bộ phận tuân thủ. Bộ phận này sẽ cập nhật thông tin để doanh nghiệp điều chỉnh và luôn luôn đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng.
Nhưng cần nhấn mạnh, câu chuyện phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ dài hơi, không chỉ trong 5 hay 10 năm, mà cả quá trình tiếp theo và ngành da giày cần nhanh chóng xây dựng giải pháp tổng thể, xuyên suốt.
Hiệp hội sẽ có vai trò như thế nào để thúc đẩy sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp da giày, thưa bà?
Với vai trò Hiệp hội, chúng tôi có trách nhiệm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, xuất khẩu thông qua hoạt động hội thảo, đào tạo. Các doanh nghiệp cần kết nối, xây dựng mạng lưới để doanh nghiệp học hỏi, chia sẻ với nhau.
Cùng với đó, Hiệp hội cũng muốn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao, cải thiện mô hình sản xuất kinh doanh hiện nay. Chúng ta cần tập trung thay đổi, đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động, sử dụng được máy móc hiện đại hơn.
Ngoài ra, doanh nghiệp da giày cũng mong muốn Bộ Công Thương và hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục tăng cường chia sẻ thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường để doanh nghiệp thực sự giới thiệu được cái thị trường cần, chứ không phải cái mình có. Doanh nghiệp cũng cần sự chung tay của cơ quan nhà nước về chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo; tập trung đầu tư cho nhân lực chất lượng cao...
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: baotintuc.vn