Trong quý IV-2023, kim ngạch xuất khẩu của da giày Việt Nam đã khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện đơn hàng doanh nghiệp (DN) da giày cả nước nhận được đã tăng 10-20% so với nửa đầu năm, nhưng vẫn chưa trở lại được như thời điểm đầu năm 2022. Theo Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, trong 3 kịch bản xây dựng cho năm nay, ngành đang ở kịch bản trung bình và phục hồi lại vào quý IV, nhưng tăng trưởng xuất khẩu cả năm sẽ giảm khoảng 7,5% so với năm trước. Dự báo khó khăn của ngành da giày Việt Nam sẽ kéo dài đến gần giữa năm 2024.
Đồng Nai là một trong 4 tỉnh, thành sản xuất, xuất khẩu da giày lớn nhất Việt Nam và đây là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh nên việc suy giảm đơn hàng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh. Trong 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu da giày của tỉnh đạt hơn 3,93 tỷ USD, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Dự tính cả năm, kim ngạch xuất khẩu da giày sẽ giảm khoảng 15%. Hiện nhiều DN da giày ở Đồng Nai vẫn thiếu đơn hàng sản xuất dù đang vào cao điểm của mùa sản xuất cuối năm. Vì thế, các DN da giày buộc phải cho lao động làm việc 4-5 ngày/tuần và không tăng ca. Do đó, mong muốn của các DN là tỉnh, các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối với nhiều thị trường ngách để có thêm các đơn hàng xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu chính của DN da giày Đồng Nai cũng như cả nước là Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, nhưng từ đầu năm đến nay liên tục giảm. DN hy vọng Bộ Công thương, tỉnh sẽ kết nối với tham tán thương mại ở các thị trường ngách là những nước châu Á, châu Phi, Trung Đông để xúc tiến thương mại giúp DN tìm thêm đơn hàng, bù đắp vào các đơn hàng của thị trường truyền thống đang giảm. Đồng thời, DN mong muốn các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài kịp thời chia sẻ các thông tin về nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường, để DN biết giới thiệu những sản phẩm thị trường cần. Mặt khác, DN cũng cần được cung cấp thông tin về chính sách ở thị trường nhập khẩu để có chuẩn bị đầy đủ khi xuất khẩu.
Khánh Minh