Nếu như 2022 được xem là năm khá thành công trong hoạt động xuất khẩu toàn ngành da giày (bao gồm cả giày dép và túi xách) khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành đứng gần cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu. Đến năm 2023 tình hình thị trường xấu đi nhiều, đã tác động trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành ngay từ những tháng đầu năm.
Doanh nghiệp da giày cần đầu tư về công nghệ, nhân lực sản xuất phù hợp tiêu chuẩn hiện nay. (Ảnh minh họa)
Mặc dù các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA và UKVFTA, RCEP... đang góp phần hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu giày dép tại khu vực thị trường Liên minh châu Âu (EU) và thị trường Anh, Trung Quốc, ASEAN... nhưng khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm, xuất khẩu giày dép năm 2023 rất khó có tăng trưởng.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Da giày và túi xách Việt Nam, 2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành da giày. Tổng sản xuất của ngành chủ yếu dành cho xuất khẩu, song do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát, đặc biệt tại hai thị trường chủ lực là Hoa Kỳ và EU khiến sức tiêu thụ đều giảm, kéo theo đơn hàng giảm, hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Dự kiến cả năm kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 24 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù không đạt như kỳ vọng nhưng hiệp hội đánh giá kết quả này là khả quan so với thực tế khó khăn của ngành thời gian qua.
Nếu như trước đây các hoạt động phát triển bền vững chủ yếu do khách hàng đưa ra và mang tính khuyến khích thì ngày nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ Chính phủ các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn như Mỹ, EU. Điều đó cho thấy chuỗi cung ứng đã thay đổi và thách thức đặt ra là doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị gì để tuân thủ các quy định mới và tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xác định làm thế nào để giảm thiểu khí thải carbon trong quá trình sản xuất...
Ông Gerwin Leppink, chuyên gia đến từ Tổ chức công nhận trách nhiệm xã hội trong sản xuất toàn cầu (WRAP) khẳng định, ngày nay, để xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và EU, việc tuân thủ quy định của cơ quan hải quan, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… là điều bắt buộc. Điều này tác động tới cả người mua (nhà phân phối ở nước sở tại) và nhà cung cấp hàng hóa (doanh nghiệp xuất khẩu).
Trong đó, người mua phải chứng minh nguồn cung ứng có trách nhiệm và tuân thủ các luật mới. Các nhà cung cấp chịu trách nhiệm với bên phân phối trong việc chứng minh rằng nhà máy của họ an toàn, công nhân của họ được đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, luật pháp địa phương và yêu cầu của người mua. “Các nhà cung cấp có thể mất đơn đặt hàng nếu không tuân thủ quy định và người mua có thể bị cơ quan chức năng thu giữ hàng hoặc từ chối lô hàng nếu có cáo buộc ngược đãi công nhân”, ông Gerwin Leppink nhấn mạnh.
Từ thực tế này, ông Gerwin Leppink khuyến nghị, việc cạnh tranh đã chuyển dịch từ các công ty đơn lẻ sang cả chuỗi cung ứng, đòi hỏi người mua và nhà cung cấp cùng chung tay tuân thủ luật pháp và quy định mà khách hàng kỳ vọng. Ông đồng thời nhấn mạnh sự cạnh tranh nằm ở giá trị chứ không phải phụ thuộc chi phí thấp nhất. Ông cũng khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bên mua hàng tập trung nhiều hơn vào quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, vào khả năng phục hồi. Họ cũng chuyển sang chiến lược tìm nguồn cung ứng song phương, đa phương, coi trọng giá trị bền vững, việc tuân thủ, minh bạch, truy xuất nguồn gốc đồng thời với sự linh hoạt của chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cho công nghệ là một trong những giải pháp nhằm thích ứng với những thay đổi lớn trên thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Thế Linh, Tổng Giám đốc Công ty Giày Viễn Thịnh cho biết, hiện chúng tôi có những máy giảm được 10 lao động trên 1 máy. Chúng tôi đầu tư hàng trăm máy sẽ giảm được hàng nghìn lao động trong quy trình sản xuất của nhà máy. Tất cả giúp giảm giá thành sản xuất, có được đơn hàng cho sản xuất ở các năm khó khăn như 2023 này và những năm sắp tới. Công nghệ mới đã giúp năng suất lao động của doanh nghiệp tăng gấp 2 lần, tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản xuất trung bình 20% cho mỗi sản phẩm, nhờ vậy đã đảm bảo sức cạnh tranh, ổn định sản xuất và xuất khẩu.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, năm 2024 được dự báo vẫn là năm đầy khó khăn, thách thức với ngành da giày. Cùng với đó, chính sách thương mại tại những thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày đang thay đổi nhanh chóng. Đến thời điểm này, phát triển bền vững không phải chủ đề mới mẻ nữa. Nói như vậy để khẳng định, muốn tồn tại, tham gia vào chuỗi cung ứng, bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất phải tuân thủ yêu cầu này. Bên cạnh đó, thách thức tới từ việc chi phí đầu vào ngày càng gia tăng. Đó là sức ép lớn đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngành da giày vẫn có những lợi thế, kỳ vọng phát triển. Điều đó thể hiện qua việc ngành da giày cũng tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Việt Nam có những chính sách cởi mở để hỗ trợ cho việc phát triển của ngành, cũng như sở hữu nguồn lao động dồi dào, kỹ năng tốt. Đặc biệt, ngành da giày Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu, uy tín tại các thị trường, trong đó có nhiều thị trường lớn, khó tính như Hoa Kỳ, EU...
Để thích ứng tiêu chuẩn hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp rất nhiều nhằm củng cố năng lực nội tại. Câu chuyện nâng cấp bắt đầu từ công nghệ, quản lý, tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp phải nắm bắt kịp thời thông tin. Khi có thông tin, doanh nghiệp sẽ có những kế hoạch cụ thể để ứng phó với tình hình thực tiễn. Chú trọng đến việc xây dựng một bộ phận tuân thủ. Bộ phận này sẽ cập nhật thông tin để doanh nghiệp điều chỉnh và luôn luôn đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng.
Nhưng cần nhấn mạnh, câu chuyện phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ dài hơi không chỉ trong 5 hay 10 năm mà cả quá trình tiếp theo và ngành da giày cần nhanh chóng xây dựng giải pháp tổng thể, xuyên suốt.
Trong bối cảnh xuất khẩu đang đối mặt với nhiều khó khăn, ngành da giày của Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức và tìm kiếm cơ hội mới. Sự đầu tư vào công nghệ và phát triển bền vững được xem là chiến lược quan trọng để giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế.
Nguồn: vietq.vn