Quyết liệt triển khai các biện pháp chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của Chuyển đổi số trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai, nhằm tạo nền tảng cho môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Tại Quyết định số 165/QĐ-TTg, ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 đã quy định rõ nhiệm vụ chuyển đối số của ngành. Đây là nhiệm vụ nhưng cũng là giải pháp để giải quyết điểm nghẽn trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng, quản lý, điều hành của Bộ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện Đề án này, ngày 13/7/2023, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 111-NQ/BCSĐ về chuyển đối số của Bộ cũng như kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh những kết qủa đạt được, công tác chuyển đổi số tại Bộ Công Thương còn nhiều hạn chế. Do vậy, trong Hội nghị Thúc đẩy Chuyển đổi số tại Bộ Công Thương ngày hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các đơn vị trong Bộ tập trung thảo luận đưa ra những giải pháp kịp thời, phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số tại Bộ Công Thương.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh đã trình bày báo cáo về việc đẩy mạnh chuyển đổi số tại Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua. Theo đó, thời gian qua, công tác chuyển đổi số tại Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ, cụ thể là (1) Nhận thức và hành động về chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc Bộ đã có chuyển biến tích cực; (2) Đã xây dựng, ban hành các đề án, chiến lược, kế hoạch về chuyển đổi số của Bộ Công Thương; (3) Hạ tầng số được tăng cường đầu tư; (4) Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ điện tử được quan tâm đầu tư; (5) Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng trong đó cơ bản hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, số hóa hơn 79% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; (6) An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; (7) Kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai cơ chế Một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Cũng tại Hội nghị, các đơn vị đã báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị mình, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy hơn nữa nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Tại Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Tổng cục Quản lý thị trường. Từ năm 2022, Tổng cục đã đưa vào vận hành Hệ thống xử lý vi phạm hành chính - INS trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm. “Đây được coi là cuộc cách mạng trong chuyển đổi số của lực lượng Quản lý thị trường. Thời gian tới, Tổng cục sẽ triển khai chữ ký số; mọi công văn, giấy tờ sẽ được triển khai trên nền tảng số, sử dụng công nghệ thông tin, hạn chế mức thấp nhất các văn bản giấy...” – Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho hay.
Đối với công tác chuyển đổi số tại Văn phòng Bộ, Chánh Văn phòng Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết, Văn phòng Bộ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai Hệ thống quan lý văn bản điện tử Bộ Công Thương (iMOIT) từ năm 2016. Đến nay, hệ thống iMOIT đã đáp ứng được tất cả các yêu cầu tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và trở thành công cụ, môi trường làm việc thường xuyên của các cán bộ, công chức tại các đơn vị thuộc Bộ.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác chuyển đổi số của các đơn vị, song Thứ trưởng cũng cho rằng các đơn vị thuộc Bộ cần phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp để có thể chuyển đổi số một cách toàn diện và đạt được các mục tiêu đã được đề ra.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số. Trong đó nhấn mạnh, nhận thức về chuyển đổi số trong Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến tích cực; hạ tầng chuyển đổi số được quan tâm hơn và ngày càng hoàn thiện; cơ sở dữ liệu cũng được chú trọng; dịch vụ công trực tuyến được tăng cường…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại. Cụ thể là chưa kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; chậm hoặc chưa ban hành các quy chế quản lý, khai thác, sử dụng các phần mềm hay việc khai thác còn nhiều vướng mắc; ý thức và quyết tâm chuyển đổi số ở một số bộ phận công chức, viên chức, ở một số đồng chí lãnh đạo vẫn còn do dự, đưa ra nhiều lý do; cùng với đó, thói quen ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn của một bộ phận công chức còn chậm thay đổi; cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành còn thiếu và yếu, chưa được cập nhật kịp thời và thiếu tính liên kết chia sẻ; cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công việc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sở dĩ vẫn còn tồn tại những hạn chế đó là do nhiều nguyên nhân. Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là nhận thức của một số đơn vị, bộ phận, cá nhân về công tác chuyển đổi số chưa tốt, chưa quyết tâm, quyết liệt trong tổ chức thực hiện; sự phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số giữa các đơn vị, bộ phận với nhau và với Bộ, ngành địa phương có lúc, có việc còn hạn chế; năng lực, trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao; tính gương mẫu của người đứng đầu chưa thực sự tốt; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp trên-cấp dưới của một số đơn vị chưa sâu sát, kịp thời…
Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác Chuyển đổi số tại Bộ Công Thương trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo các đơn vị trong Bộ tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo của Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Theo đó, các đơn vị chú trọng đến công tác cập nhật cơ sở dữ liệu; đề xuất nhu cầu, trang thiết bị, công nghệ để phục vụ công tác Chuyển đổi số; khẩn trương triển khai thực hiện các hạng mục của Đề án phát triển dịch vụ điện tử tại các đơn vị thuộc Bộ theo đúng kế hoạch.
Bộ trưởng yêu cầu tất cả các đơn vị thuộc Bộ cần tích cực, chủ động cung cấp thông tin, để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ nhằm phục vụ việc triển khai Chính phủ điện tử. Cụ thể, tất cả các đơn vị phải đưa ra yêu cầu quản lý của đơn vị mình gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trước ngày 30/11/2023 để tổng hợp và đề xuất với Lãnh đạo Bộ xây dựng Chương trình tổng thể trước ngày 15/12. “Đây là nhiệm vụ hết sức nóng bỏng, do vậy các đơn vị trong Bộ phải quyết tâm thực hiện” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị có cơ sở dữ liệu cần cập nhật thường xuyên, liên tục, bảo đảm dữ liệu luôn “Đúng – Đủ - Sạch - Sống”. Đồng thời thực hiện số hóa 100% hồ sơ thủ tục hành chính do tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện và đưa vào hệ thống Một cửa của Bộ theo đúng quy định. Số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực, chậm nhất là ngày 15/12/2023 phải hoàn thành.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phải thống kê tình hình và kết quả thực hiện số hóa cũng như các thủ tục hành chính của các đơn vị thuộc bộ để báo cáo với lãnh đạo Bộ mỗi tháng một lần. Bên cạnh đó, tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành danh mục cơ sở dữ liệu và danh mục dịch vụ công trực tuyến mới trong tháng 11/2023 để thay thế cho danh mục Bộ Công Thương đã ban hành tại Quyết định số 1573/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương trong tháng 11 năm 2023. Ngoài ra, tham mưu xây dựng tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số tại các đơn vị thuộc Bộ, lấy đó làm cơ sở bình xét thi đua của tổ chức, cá nhân người đứng đầu.
Đồng thời, các đơn vị khẩn trương lập kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính liên quan, đẩy mạnh công tác hậu kiểm; giảm tối đa việc kiểm tra thực tế hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân phải hiện diện tại cơ quan nhà nước từ đó để tạo điều kiện để triển khai áp dụng quy trình dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số tại Bộ Công Thương đối với những đơn vị như: Cục xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Nhà Xuất bản Công Thương…
Về những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ tổng hợp tham mưu đề xuất các hướng giải quyết. Bộ trưởng cũng bày tỏ hi vọng, sau buổi làm việc hôm nay, công tác chuyển đổi số tại Bộ Công Thương sẽ đi vào thực chất hơn, đạt được nhiều hiệu quả tích cực hơn nữa để nâng cao chất lượng hoạt động của toàn Ngành.
Theo Quyết định số 1876/QĐ-BCT ngày 21/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Công Thương năm 2023, trong năm 2023, mục tiêu cần đạt được trong việc triển khai chính phủ điện tử tại Bộ bao gồm: - 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công Thương được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật; - Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Công Thương được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia; - 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình; - Tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đủ điều kiện, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; - Đảm bảo tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đạt 90%; các hệ thống thông tin của Bộ Công Thương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại; - Tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC của Bộ Công Thương; - 100% văn bản trao đổi giữa các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và giữa Bộ Công Thương với các cơ quan nhà nước khác được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật; - 90% hồ sơ công việc tại Bộ Công Thương được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); - 100% hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Công Thương theo phân cấp quản lý được lưu trữ, quản lý dưới dạng hồ sơ điện tử; - 100% hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; - 100% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Công Thương được tuyên truyền phổ cập kiến thức, kỹ năng số cơ bản; 80% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Công Thương được tuyên truyền/phổ biến, tập huấn về an toàn thông tin, chuyển đổi số; - Tối thiểu 90% thiết bị đầu cuối được cài đặt các giải pháp bảo vệ |