Sáng ngày 11/10, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả với chủ đề “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” tại Việt Nam. Đây là một trong nhiều sự kiện ý nghĩa do Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tổ chức hướng đến kỷ niệm 5 năm thành lập Tổng cục Quản lý thị trường (12/10/2018 - 12/10/2023).
Phòng trưng bày lần này gồm trên 500 sản phẩm thuộc các lĩnh vực hàng hóa như: hóa - mỹ phẩm; thực phẩm chức năng; thời trang; giày dép, trang sức; phụ tùng ô tô, xe máy; hàng tiêu dùng, sữa, nông sản... thuộc các nhãn hiệu như Honda, Yamaha, Piaggio, Huyndai, Abbott, Unilever, Johnson’s Baby, Top to Toe, Sunsilk, Clear, Pantene. Đây là những nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường, 8 tháng năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 52.613 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm (tăng 36%), thu nộp ngân sách trên 344 tỷ đồng (tăng 59%). Chuyển Cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%); Trị giá hàng hóa tịch thu gần 143 tỷ đồng; Trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 93 tỷ đồng. Trong đó, số vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Do vậy, việc mở cửa Phòng Trưng bày Nhận diện hàng thật - hàng giả với chủ đề “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc mua sắm các sản phẩm chính hãng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, trên thị trường, người tiêu dùng hay chính các doanh nghiệp không ít lần bắt gặp các sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu bị làm giả, làm nhái dưới nhiều hình thức như: Sao chép kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự các sản phẩm chính gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính.
Do vậy, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Lê, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được xem là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ nhãn hiệu hàng hóa, tạo sân chơi lành mạnh giữa các nhà sản xuất. Đặc biệt, việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa còn góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng thoát khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.
"Các lực lượng chức năng của Việt Nam trong đó có lực lượng Quản lý thị trường luôn chú trọng công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Do vậy, trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam" - ông Nguyễn Đức Lê khẳng định.
Phòng Trưng bày Nhận diện hàng thật - hàng giả với chủ đề “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” được mở cửa từ ngày 11 đến 17/10/2023 tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tác giả: Tuệ Minh