Đẩy mạnh chuyển đổi số giúp doanh nghiệp ngành Công Thương từng bước thiết lập hệ thống sản xuất - kinh doanh có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Giải pháp cấp bách, có tính "sống còn"
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng như: Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… với trọng tâm chính là thúc đẩy quá trình ứng dụng các công nghệ 4.0 và thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Ngành Điện lực triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số (Ảnh: Cấn Dũng)
Đây là yếu tố tiền đề và điều kiện thuận lợi tiên quyết để các doanh nghiệp hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ cùng xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, tác động từ đại dịch Covid-19, nhìn từ phương diện tích cực chính là việc đẩy nhanh quá trình đưa công nghệ số vào thực tiễn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, vai trò, hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số vào thực tiễn sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất, kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, tối ưu chi phí vận hành, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác, kịp thời.
Không chỉ nâng cao hiệu quả hay chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc ứng dụng các công nghệ mang đến cơ hội cho doanh nghiệp tạo ra những giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới, thậm chí mô hình kinh doanh hoàn toàn mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
“Công nghệ số giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản địa lý để đưa sản phẩm, dịch vụ đến với người tiêu dùng trên khắp thế giới. Đây là điều mà trước đây rất khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở những địa bàn khó khăn” - ông Đào Trọng Cường nói.
Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nhận định, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và năng lượng, hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã có những chuyển biến hết sức tích cực.
“Hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo đã được trong doanh nghiệp được triển khai một cách mạnh mẽ, trở thành giải pháp cấp bách, có tính sống còn để giúp mỗi đơn vị vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực nội tại từ đó tiếp nhận những cơ hội đầu tư, phát triển mới khi thị trường ngày càng được mở rộng” - ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.
Đồng thời, các doanh nghiệp đang tận dụng một cách hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc đưa ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số, từng bước phát triển sản xuất thông minh.
Điển hình như trong lĩnh vực điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được vinh danh ở hạng mục Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với hoạt động triển khai mạnh mẽ ở tất cả các đơn vị thành viên; trong lĩnh vực khoáng sản, các doanh nghiệp đang tập trung phát tầng công nghệ thông tin hiện đại, triển khai rộng rãi hệ thống tự động hóa.
Ngành Dầu khí tăng cường áp dụng công nghệ số (Ảnh: Cấn Dũng)
Ngành Dầu khí đang thực hiện chuyển đổi số ở Tập đoàn và lộ trình triển khai cho các đơn vị thành viên; lĩnh công nghệ thực phẩm, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cũng là một điển hình với hệ thống 24 nhà máy sản xuất với công nghệ thiết bị hiện đại, tự động, đồng bộ hóa cao và đạt chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP/ ISO 22000 và ISO 14001…
Nhiều điển hình thực hiện chuyển đổi số khác như: Công ty Cổ phần Thaco Trường Hải, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông… Không chỉ ở các doanh nghiệp lớn, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ quá trình ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đang diễn ra ở nhiều phạm vi khác nhau, giúp doanh nghiệp từng bước thiết lập hệ thống sản xuất - kinh doanh có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng, mang lại hiệu quả hết sức tích cực, đồng thời mang đến diện mạo, năng lực mới cho các doanh nghiệp.
Tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp chuyển đổi số
Trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đã xác định một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn tới là triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại để phát triển sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng, ưu tiên tập trung cho ngành điện lực hướng đến tối đa hóa và tự động hóa các mạng lưới cho việc cung ứng điện một cách hiệu quả; kết nối các đồng hồ đo điện số để cải thiện tốc độ và sự chính xác của hóa đơn, xác định sự cố về mạng lưới nhanh hơn, hỗ trợ người dùng cách tiết kiệm năng lượng và phát hiện ra các tổn thất, mất mát điện năng.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tập trung xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột, xây dựng chiến lược, cơ cấu tổ chức thông minh, nhà máy thông minh, vận hành thông minh để tạo ra các sản phẩm thông minh...
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng
Ông Đào Trọng Cường cho hay, phát triển sản xuất thông minh là hướng đi tất yếu, đặc biệt khi Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như từng bước hình thành và dẫn dắt các chuỗi cung ứng.
Để làm được điều này, đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng các công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất thông minh, chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã dành nhiều nguồn lực và tập trung triển khai nội dung này. Cụ thể: Hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về sản xuất thông minh trong các lĩnh vực cơ khí, nhựa, điện tử, bia, logistics. Các nội dung này đã được chúng tôi triển khai lồng ghép trong những chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ Công Thương và cấp quốc gia cùng với sự tham gia của doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2030, các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ được xây dựng và trình lãnh đạo Bộ phê duyệt đều đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi hy vọng kết quả từ những mô hình cụ thể trong giai đoạn vừa qua, cùng hoạt động triển khai trong thời gian tới sẽ được đánh giá, nhân rộng cho các doanh nghiệp trong ngành.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có thế mạnh trong phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp 4.0.
“Tôi tin rằng, tại thời điểm này, các doanh nghiệp đã nhìn nhận được những cơ hội cũng như những lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại. Tuy nhiên, để tận dụng được hay nói cách khác, để trở thành một nhà máy thông minh, một doanh nghiệp số sẽ cần một hành trình dài với quyết tâm của doanh nghiệp cũng như vai trò đòn bẩy, hỗ trợ từ phía nhà nước” - ông Đào Trọng Cường nêu.
Để thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 823/QĐ-BCT ngày 29/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình chuyển đổi số tại Bộ Công Thương giai đoạn 2022-2025.
Trong giai đoạn này, Bộ sẽ triển khai hàng loạt các nhiệm vụ cụ thể như sau: hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng; xây dựng cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.
Với hàng loạt nhiệm vụ này, Bộ Công Thương cơ bản sẽ xây dựng được “Bộ Công Thương điện tử” nhằm phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp cũng như phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc trong nội bộ của Bộ Công Thương nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung.
Quyết định số 505/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia đã quyết định ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 là “ Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. |
Nguồn:Báo Công Thương