- Thống kê đến 15/6/2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 168,28 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, nhiều nhóm hàng tăng trưởng hai con số. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả này rất đáng khích lệ, tạo đà đạt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu tăng 8 - 9% so với năm 2021.
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - thương mại 2 quý đầu năm 2022, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Đặc biệt là hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng trưởng hai con số.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2022 đạt 337,85 tỷ USD, tăng 16,7%, tương ứng tăng 48,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam tính đến giữa tháng 6/2022 đạt 168,28 tỷ USD, tăng 17,2%, tương ứng tăng 24,65 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều nhóm hàng tăng hai con số như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,81 tỷ USD, tương ứng tăng 16,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 3,27 tỷ USD, tương ứng tăng 20,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,94 tỷ USD, tương ứng tăng 13,6%; hàng dệt may tăng 2,92 tỷ USD, tương ứng tăng 21,3%... so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn: Tổng cục Hải quan |
Nửa đầu năm 2022 có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn 4 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại nhanh chóng của khu vực các doanh nghiệp trong nước và nối lại được các chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Kim ngạch nhập khẩu tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm hàng nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu (tăng 16,5%).
Nguyên nhân chính giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước vẫn giữ đà tăng trưởng trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraina vẫn tiếp diễn, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) là do lực đẩy từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được doanh nghiệp tận dụng hiệu quả.
Ông Trần Thanh Hải bình luận, thời gian qua, Việt Nam liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn với mức độ cam kết sâu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Đây đều là các FTA với các đối tác thương mại quy mô rất lớn của Việt Nam, trên thực tế đã phát huy tác dụng đáng kể.
Với kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2022, nhiều chuyên gia dự báo rằng, mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu tăng 8 - 9% so với năm 2021 là khả quan và kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 có thể lập mốc kỷ lục mới. 15 FTA mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt, các FTA thế hệ mới sẽ tạo bước đột phá về thương mại, mang về thặng dư thương mại lớn trong năm 2022, tạo đà cho tăng trưởng cả giai đoạn 2022 - 2023.
Mặc dù xuất khẩu đã khởi sắc ngay từ đầu năm, nhưng không vì thế mà chủ quan, bởi xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mạiĐể hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu trong năm 2022, ông Trần Thanh Hải cho hay, Bộ Công thương sẽ tăng cường công tác phổ biến thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, giúp cộng đồng doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường, kết nối giao thương, nhất là ở các thị trường mới, nhiều tiềm năng. Đồng thời, chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường nội địa, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. |
Đó là yếu tố thiếu bền vững, quy mô xuất khẩu tăng cao, nhưng giá trị gia tăng còn thấp. Nhiều ngành hàng còn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến. Đặc biệt, tỷ trọng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước trong tổng xuất khẩu còn thấp. Ngoài ra, xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng... cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Đồng thời, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những thách thức ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu cần khắc phục đó là thời gian qua, các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng (giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng). Đặc biệt, tình hình xuất khẩu hàng hóa qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã được cải thiện hơn nhưng chưa ổn định, tình trạng hàng hóa nằm chờ tại khu vực cửa khẩu vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng chống dịch của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam như làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, chậm trễ trong giao nhận hàng hóa. 2 năm vừa qua tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, đến nay chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt”…
Song Linh
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-nhap-khau-tang-truong-nhung-khong-the-chu-quan-107550.html