(KTSG Online) – Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi đến gần 10 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ ngành sản xuất dệt may và da giày trong nước, trong đó khoảng 50% là nhập từ Trung Quốc.
Chỉ trong 4 tháng, cả nước chi đến gần 10 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ ngành sản xuất dệt may và da giày trong nước. Ảnh: Lê Hoàng
Số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan được công bố vào chiều ngày 17-5 cho thấy trong tháng 4 vừa qua, Việt Nam chi đến 2,63 tỉ đô la để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may và da giày, tăng 8,9%, tương ứng tăng 215 triệu đô la, so với tháng trước đó.
Những nguyên liệu này bao gồm bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy…
Như vậy, tính lũy kế trong 4 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may da giày đạt 9,44 tỉ đô la, tăng 12,4% (tương ứng tăng 1,04 tỉ đô la) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, đáng chú ý là vải các loại với tổng kim ngạch nhập khẩu lên đến 5,05 tỉ đô la, tăng 15,1%, và mặt hàng bông các loại đạt 1,22 tỉ đô la, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 2,27 tỉ đô la, tăng 6,3%; và xơ sợi dệt các loại đạt 903 triệu đô la, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, các doanh nghiệp dệt may và da giày cho biết lượng đơn hàng xuất khẩu tăng cao và nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý 3 hoặc chậm chí có doanh nghiệp đơn hàng làm cho cả năm 2022.
Và việc đơn hàng sản xuất để xuất khẩu tăng cao cũng gắn liền với nhập khẩu nguyên phụ liệu cho hai ngành này cũng tăng theo tương ứng.
Kết quả trên cho thấy ngành sản xuất dệt may trong nước còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu nước ngoài khá lớn. Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp, nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may và da giày nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng khoảng 50%, và tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy, sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài về nguồn nguyên liệu vẫn đang duy trì ở mức cao. Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ rõ về hạn chế này. Không ít doanh nghiệp dệt may như “ngồi trên đống lửa” vì các đối tác cung cấp nguyên, phụ liệu không thể giao hàng, làm ảnh hưởng đến 20 – 30% năng lực sản xuất toàn ngành.
Ngành da giày cũng phụ thuộc nhiều nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: Lê Hoàng
Để sản xuất được vải cần có ngành dệt nhuộm, nhưng đây là ngành đòi hỏi công nghệ và vốn lớn. Chưa kể, doanh nghiệp dệt nhuộm cũng vấp phải rào cản từ các địa phương do lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Chính vì chi phí đầu tư lớn, nên đây cũng là một trong những khó khăn trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM, cho rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) yêu cầu hàng Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế phải đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải hoặc sợi trở đi.
Tuy nhiên, các nút thắt về nguyên liệu sản xuất trong nước chưa được giải quyết. Để hưởng các lợi thế FTA, điều tiên quyết là phát triển về nguyên phụ liệu. Vì vậy, việc sớm phát triển đồng bộ công nghiệp hỗ trợ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho dệt may Việt Nam. Đến nay, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn hạn chế, chưa được như kỳ vọng.
Giới phân tích cũng nhấn mạnh cần phát triển dệt may và da giày theo hướng chuyên môn hóa, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp để hình thành nên các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị cho ngành.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 5,288 tỉ đô la, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành da giày đặt kỳ vọng cán mốc xuất khẩu 20 tỉ đô la trong năm 2022, tăng 12,7% so với năm 2021.
Để đạt được mục tiêu này, theo chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, vì hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, một số khâu công việc vẫn phải thuê lao động kỹ thuật cao của nước ngoài…
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành da giày, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp ngành da giày đạt 75 – 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu này còn nhiều điều phải làm và thu hút đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu.
theo https://thesaigontimes.vn/