Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) giày dép tại Đồng Nai vẫn có nhiều bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu. Giày dép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh và trong 4 tháng đầu năm tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản xuất giày dép tại Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang |
Theo Sở Công thương, 4 tháng đầu năm 2022, các DN ngành giày dép Đồng Nai đã xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giày dép sản xuất tại Đồng Nai hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, các thị trường có thị phần lớn là: Hoa Kỳ, Bỉ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản.
* “Thủ phủ” sản xuất giày dép nhiều thương hiệu lớn
Trong nhiều năm qua, Đồng Nai luôn là một trong 4 khu vực sản xuất, xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam. Đây là nhóm hàng luôn giữ được mức tăng trưởng khá trong những năm qua. Đặc biệt, trong đợt đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua, ngành giày dép ở Đồng Nai chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng khả năng phục hồi tương đối nhanh. Các nhà máy sản xuất giày dép trên địa bàn tỉnh đa số làm theo đơn hàng cho các thương hiệu giày dép lớn trên thế giới như: Nike, Adidas, Reebok, Vans, Puma, New Balance, Bata…
Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 7,3 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai chiếm hơn 23% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Giày dép của Đồng Nai xuất siêu trong 4 tháng đầu năm 2022 là hơn 1,4 tỷ USD. |
Bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc đối ngoại các nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia của Công ty TNHH Nike Việt Nam, cho biết: “Trên địa bàn Đồng Nai tập trung nhiều nhà máy sản xuất giày dép cho Nike, sản phẩm làm ra sẽ được xuất khẩu qua nhiều quốc gia trên thế giới. Dù hơn 2 năm qua xảy ra dịch bệnh Covid-19 nhưng kế hoạch của Tập đoàn Nike tại Đồng Nai vẫn sẽ tiếp tục tăng đơn đặt hàng cho các nhà máy để mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Do đó, Nike mong muốn tỉnh sẽ hỗ trợ các nhà máy trong công tác phòng, chống dịch bệnh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phục hồi, ổn định sản xuất”.
Trên địa bàn Đồng Nai có nhiều tập đoàn, DN có vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang gia công giày dép cho các thương hiệu lớn trên thế giới như: Tập đoàn Phong Thái, Taekwang, Changshin, Pouchen, Hwaseung…
Ông Lê Quốc Thanh, Tổng giám đốc điều hành khu vực Việt Nam của Tập đoàn Phong Thái chia sẻ: “Tập đoàn Phong Thái đầu tư 5 công ty sản xuất giày dép tại các khu công nghiệp của Đồng Nai. Các công ty trên chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của thương hiệu giày dép lớn trên thế giới. Năm 2022, tập đoàn nhận được rất nhiều đơn hàng lớn của nhãn hàng nên từ đầu năm đến nay, các công ty ở Đồng Nai đều phải tuyển thêm lao động để tiếp tục nâng công suất”.
Các DN sản xuất giày dép lớn tại Đồng Nai như: Công ty TNHH Changshin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), Công ty CP Taekwang Vina Industrial ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Hwaseung Vina ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (H.Nhơn Trạch)… đều đã nhận được đơn hàng đến cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
* Cơ hội tăng tốc xuất khẩu
Hiện nay, tại Đồng Nai, dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế, người lao động đã trở lại nhà máy để làm việc, DN cũng nhận được các đơn hàng lớn đến cuối năm, đó sẽ là cơ hội để ngành giày dép Đồng Nai tăng tốc trong sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành giày dép còn có lợi thế từ 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực, trong đó có 3 hiệp định lớn là: Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định đã ký kết và có hiệu lực giúp cho DN xuất khẩu giày dép vào các thị trường trên được giảm thuế, tăng được khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, để hưởng các ưu đãi về thuế quan, các DN giày dép phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ…
Theo Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày Việt Nam hiện đạt khoảng 45%, trong đó có thể cung cấp hơn 50% nguyên liệu sản xuất giày dép cấp trung và trên 20% cho giày dép cao cấp. Các DN đang cố gắng liên kết, hình thành chuỗi cung ứng để đến năm 2030, Việt Nam có thể đáp ứng được khoảng 60% nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất giày dép.
Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn đánh giá, so với mặt bằng chung của ngành giày dép thế giới thì ngành giày dép Việt Nam có năng lực khá cao. Các thương hiệu giày có tên tuổi trên thế giới đều đã đến Việt Nam đặt hàng nên nhiều năm qua xuất khẩu giày dép của nước ta đều tăng hơn 10%/năm (tương đương 1,6 tỷ USD/năm). Theo đó, giày dép trở thành một trong 6 ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta và là ngành có xuất siêu lớn, góp phần giúp cho cán cân thương mại của Việt Nam về thế cân bằng và chuyển qua xuất siêu. Đồng Nai là tỉnh có xuất khẩu, xuất siêu giày dép khá lớn.
Thế nhưng, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì ngành giày dép Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những thách thức như: giá vật liệu đầu vào, công vận chuyển, chi phí nhân công tăng, khách hàng ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn về chuỗi cung ứng, xu hướng bảo hộ thương mại của một số thị trường… Do đó, các DN giày dép cần có kế hoạch để khắc phục những khó khăn trên nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, DN cũng nên tập trung khai thác thị trường châu Á, vì khu vực này tiêu thụ hơn 50% số sản phẩm giày dép của toàn thế giới.
Khánh Minh
http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202205/xuat-khau-giay-dep-tim-cach-tang-toc-3116504/