Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Chính sách, pháp luật - quan hệ lao động
  • 20/04/2022

Đề xuất giải pháp công đoàn tham gia khôi phục thị trường lao động năm 2022

Ngày 4/3, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị nắm bắt tình hình lao động và đề xuất các giải pháp công đoàn tham khôi phục thị trường lao động năm 2022. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì.

 

Điểm cầu tại trụ sở Tổng LĐLĐ Việt Nam

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 34 LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công đoàn ngành Trung ương và tương đương; công đoàn các tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Lao động thay đổi theo từng ngày

Báo cáo về tình hình lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng Ban Chính sách - pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ lao động đi làm trở lại sau Tết đạt tỷ lệ cao, như: Cần Thơ (100%), Công đoàn Xây dựng Việt Nam (100%), Đà Nẵng (99,8%), Quảng Ninh (98,8%), Thanh Hóa (98,7%), Tây Ninh (98,7%), Phú Thọ (98,5%), Thừa Thiên - Huế (98,4%), Hà Nội (98,1%), Hà Nam (98%), Hưng Yên (97,3%), Hải Phòng (96%); Long An (95%), Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (95%)…

Một số địa phương có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, như: Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%).

Báo cáo từ các địa phương có đông công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất cho thấy, hiện tại, ở nhiều địa phương số công nhân lao động đang phải nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 (thực hiện điều trị, cách ly do dịch Covid-19) khá cao, như: Hải Phòng (trên 42.000 lao động), Bắc Giang (22.000 lao động)… nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Về nhu cầu sử dụng lao động, theo báo cáo của các địa phương, năm 2022, với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Cụ thể: Bình Dương (khoảng 90.000 lao động), Long An (khoảng 51.000 lao động), Hải Phòng (trên 50.000 lao động), Tây Ninh (khoảng 46.000 lao động), Kiên Giang (khoảng 44.000 lao động), Cà Mau (khoảng 35.000 lao động), Bắc Ninh (từ 25.000 - 30.000 lao động), Hà Nội (khoảng 26.000 lao động), Quảng Ninh (khoảng 24.500 lao động), Bình Phước (khoảng 18.000 lao động), Thừa Thiên - Huế (khoảng 12.000 lao động)…

Điểm cầu LĐLĐ tỉnh An Giang

Về nguyên nhân thiếu hụt lao động tại các địa phương, ông Vũ Hồng Quang cho biết: Qua tổng hợp từ cơ sở, lý do chính là sau Tết Nguyên đán, một bộ phận người lao động trở về quê (chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và miền Trung) chưa trở lại các tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía Nam để làm việc, hoặc đã tìm được việc làm mới ở quê nhà, muốn gắn bó gần hơn với gia đình nên không trở lại làm việc.

Một phần không nhỏ trong số chưa quay trở lại thị trường lao động do e ngại lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 (nhất là người lao động đang nuôi con nhỏ, có người thân lớn tuổi); một bộ phận người lao động do chưa tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19 nên còn ngại quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, một số địa phương có tình trạng số đông lao động có thâm niên xin nghỉ việc vì cho rằng qua 15 năm công tác sẽ không nhận được BHXH 01 lần.

Đặc biệt, do giá cả thị trường tăng, mức lương nhận được không đủ trang trải chi phí cuộc sống nên một số lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn thuộc vùng lương cao hơn hoặc chuyển sang làm việc khác. Đồng thời, sự cạnh tranh về thu hút lao động, việc sử dụng lao động thời vụ của các doanh nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng về lao động.

Tại Hội nghị, đại diện công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp một số địa phương cũng nêu hạn chế, bất cập trong chính sách hiện nay, đó là một số chính sách, phúc lợi của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không cao hơn các doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp nên không giữ chân được người lao động, không thu hút được người lao động vào làm việc.

Ông Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội nhận định: Sự cạnh tranh trong tuyển dụng nhân công tại các doanh nghiệp nhìn một cách tích cực thì đang có lợi để người lao động có quyền lựa chọn công việc tốt hơn. Về phía tổ chức công đoàn thì Chủ tịch công đoàn cơ sở có tâm thế hơn để thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động các chế độ, chính sách để thu hút và giữ chân người lao động.

Cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện, khả thi, linh hoạt và có tầm nhìn

Tại Hội nghị, đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp đã thảo luận, đánh giá mức độ thiếu lao động hiện nay tại địa phương, những ảnh hưởng của tình trạng thiếu lao động này, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp.

Theo đó, Bình Dương hiện có hơn 95% lao động trở lại làm việc sau nghỉ tết. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn thiếu khoảng 90.000 lao động trong năm 2022. Để thu hút lao động, bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết: LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành tăng cường xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân lao động thuê, mua… qua đó tạo sự yên tâm, gắn bó cho công nhân lao động địa phương khác đến làm việc tại Bình Dương.

Bà Loan đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có đề xuất với Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng, để doanh nghiệp căn cứ vào đó tăng lương cho người lao động, giúp người lao động an tâm ở lại Bình Dương làm việc.

Điểm cầu LĐLĐ tỉnh Long An

Thông tin tại Hội nghị, bà Lê Thị Thu Cúc – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An cho biết, địa phương thiếu khoảng 51.000 lao động trong năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lao động trong các nhà máy, xí nghiệp phần lớn là do doanh nghiệp tìm kiếm lao động có tay nghề cao, có kinh nghiệm; trong khi nguồn lao động ở địa phương chưa đủ đáp ứng. Đối với lao động phổ thông thì ảnh hưởng tác phong nông nghiệp nên không đáp ứng được khi làm việc trong môi trường công nghiệp; đãi ngộ của doanh nghiệp còn thấp;…

Bà Cúc kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ LĐLĐ tỉnh thực hiện đúng tiến độ về xây dựng thiết chế công đoàn trên địa bàn Long An, góp phần thu hút lao động đến Long An trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Đồng thời, bà cũng đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể chỉ đạo LĐLĐ các địa phương có nguồn lao động phối hợp với ngành Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức ngày hội việc làm để kết nối cung - cầu lao động. Riêng LĐLĐ tỉnh Long An sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức xe đón công nhân lao động về các tỉnh về Long An làm việc.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng LĐLĐ sẽ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các cấp Công đoàn và doanh nghiệp tại Hội nghị để hoàn thiện báo cáo, đề xuất, kiến nghị chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các bộ, ngành liên quan.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Công đoàn các cấp cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào phục hồi thị trường lao động là giải pháp mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Trong đó, với tổ chức Công đoàn là thực hiện tốt hơn sứ mệnh chăm lo cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn, từ đó thu hút người lao động về với tổ chức Công đoàn.

Bên cạnh đó, hoạt động cũng nhằm thực hiện chủ đề công tác năm 2022 của Công đoàn là chăm lo việc làm, đời sống người lao động. Đây cũng là sự chia sẻ của Công đoàn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn, thiếu hụt lao động. Với Chính phủ, đây là hoạt động khẳng định sự đồng hành của Công đoàn với Chính phủ để thực hiện mục tiêu khôi phục, phát triển kinh tế và đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

Nhấn mạnh việc thiếu hụt lao động đang diễn ra ở nhiều địa phương, ngành với nhiều cấp độ, loại hình và trình độ lao động khác nhau, đặc biệt là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp là từ nhiều nguyên nhân đan xen giữa khách quan và chủ quan, tiêu cực và tích cực. Việc thiếu hụt này còn có thể kéo dài nên các giải pháp đòi hỏi phải đồng bộ, toàn diện, khả thi, linh hoạt và có tầm nhìn. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị các cấp Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người lao động sớm trở lại doanh nghiệp. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng khuyến khích LĐLĐ các tỉnh, thành phố phối hợp với nhau để tuyển dụng, điều phối lao động, qua đó góp phần ổn định đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động.

MINH NGỌC

http://www.congdoan.vn/tin-tuc/chinh-sach-phap-luat-quan-he-lao-dong-509/de-xuat-giai-phap-cong-doan-tham-gia-khoi-phuc-thi-truong-lao-dong-nam-2022-633874.tld

Tin tức liên quan