Tại “Hội thảo góp ý kiến của các doanh nghiệp ngành da giày về tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động” ngày 8/4, đa số ý kiến doanh nghiệp mong muốn việc tăng lương tối thiểu cho người lao động sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2023.
Trong năm vừa qua, với những khó khăn của đại dịch, doanh nghiệp ngành da giày đã không tăng lương tối thiểu và nhận được sự chia sẻ của người lao động. Tuy vậy, hiện các hoạt động của doanh nghiệp đã trở lại bình thường, trong khi đó ngoài thị trường có nhiều biến động ảnh hưởng tới đời sống của công nhân, đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng lương để hỗ trợ họ đủ chi phí trang trải cuộc sống.
“Sắp tới Hội đồng tiền lương quốc gia dự kiến tổ chức họp để bàn về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, trong đó có 2 mốc quan trọng về thời điểm tăng lương là từ ngày 1/7/2022 và từ ngày 1/1/2023. Riêng mức tăng bao nhiêu, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ có tính toán cụ thể và thông báo rộng rãi để doanh nghiệp nắm được”, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết.
Việc tăng lương tối thiểu là biện pháp giữ chân lao động cho doanh nghiệp trong ngành da giày |
Tham dự hội nghị, hầu hết ý kiến doanh nghiệp đều khẳng định việc tăng lương tối thiểu là biện pháp cấp bách để giữ chân lao động sau dịch song với cột mốc tăng lương ngay từ 1/7 tới doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng được. Từ đó, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn áp dụng thời gian tăng lương tối thiểu từ đầu năm 2023.
Bên cạnh ý kiến trên, một số doanh nghiệp da giày cho biết, ngay từ đầu năm nay đã điều chỉnh tăng lương từ 3-8% cho người lao động. Điển hình như Công ty TNHH Giày Tuấn Việt đã thực hiện tăng 8% lương trong năm 2022. Ông Trần Văn Tắc - Giám đốc Công ty cho rằng, nếu không nâng lương người lao động không đảm bảo cuộc sống, không an tâm làm việc sẽ dẫn tới hiệu quả công việc thấp. Khi đó người lao động sẽ có xu hướng đi tìm nơi khác có lương cao hơn, gây hỗn loạn cho thị trường.
“Việc Nhà nước điều chỉnh là điều chỉnh lương tối thiểu còn thu nhập của người lao động phải do chính doanh nghiệp cân đối điều chỉnh. Chúng tôi đã tăng lương 8% nhưng nếu sắp tới mức lương tối thiểu của chúng tôi thấp hơn mức điều chỉnh thì chúng tôi sẽ cân đối tăng thêm”- ông Tắc chia sẻ thêm.
Tuy vậy theo các doanh nghiệp, nếu chỉ tăng lương tối thiểu sẽ chưa đủ để ổn định đời sống của người lao động. Lý do mỗi lần tăng lương tối thiểu thì hàng loạt chi phí khác cũng đồng loạt tăng theo. Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất Nhà nước có chính sách bình ổn hàng hóa nhu yếu phẩm theo hướng không tăng giá các mặt hàng thiết yếu; không tăng học phí để người lao động giảm bớt gánh nặng chi phí; hỗ trợ bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm y tế để giảm áp lực cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc áp dụng giảm trừ gia cảnh nên tăng thêm thay vì mức hơn 4 triệu đồng/người như hiện nay.
Theo ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch của Lefaso, hiện tại nhiều doanh nghiệp trong ngành đang quan ngại việc tăng lương tối thiểu cùng với những chi phí khác đang tăng cao sẽ tạo áp lực lớn về giá, khiến sản phẩm kém cạnh tranh. Trong khi đó, doanh nghiệp khó có thể thương lượng tăng giá sản phẩm với đối tác do hầu hết đơn hàng đều đã chốt giá trước gần 1 năm.
Tuy nhiên, theo ông Kiệt, hầu hết nhãn hàng đang đặt hàng tại Việt Nam đều đồng ý sẽ tăng giá sản phẩm. Điều này xuất phát từ thực tế lạm phát xảy ra trên toàn toàn thế giới, cùng với đó là giá dầu, giá vận chuyển, logistics cũng như chi phí nhân công đang tăng mạnh. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu sẽ giúp doanh nghiệp Việt “danh chính ngôn thuận” đề cập với khách hàng tăng giá sản phẩm.
“Chúng tôi thấy ở các địa bàn đô thị, cụ thể là Bình Dương đã có hiện tượng người lao động trong các nhà máy bỏ về quê do mức thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt. Vì vậy việc tăng lương là cần thiết để giữ chân người lao động”- ông Diệp Thành Kiệt khẳng định.
Thùy Dương