Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam chiếm 10% thị phần giày xuất khẩu, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu da giày.
Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với lượng xuất khẩu đạt 1,233 tỷ đôi trong năm 2020.
Theo trang tin chuyên về ngành da giày của Đức Schoez.biz ngày 2/3 cho biết thị phần của Việt Nam đã tăng từ 2% lên 10,2% trong thập kỷ qua. Tổng cộng, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020 và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu da giày. Số liệu này vừa được Hiệp hội Da giày Bồ Đào Nha APICCAPS công bố trong Niên giám Da giày thế giới năm 2021.
Tăng hơn 4 lần trong 10 năm qua
Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi giá trị quốc tế, dẫn đến giảm tỷ trọng sản xuất xuất khẩu từ 62% xuống 59%. Tổng cộng, khoảng 12,1 tỷ đôi được xuất khẩu trên toàn thế giới trong năm 2020. Cũng như những năm trước, châu Á là nơi xuất khẩu của hầu hết số giày dép xuất khẩu trên thế giới trong năm 2020, song tỷ trọng trong lượng xuất khẩu toàn cầu đã giảm dần trong thập kỷ qua và năm 2020 không phải là ngoại lệ.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu giày dép, với lượng đạt 7,402 tỷ đôi, chiếm 61,1% thị phần. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, thị phần xuất khẩu giày dép của Trung Quốc giảm 12 điểm phần trăm từ mức 73,1% năm 2011 xuống còn 61,1% năm 2020. Sự sụt giảm này đến từ sự vươn lên của Việt Nam, Indonesia và một số thị trường khác.
Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép, với lượng xuất khẩu đạt 1,233 tỷ đôi trong năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua mức 10% tổng số lượng giày dép xuất khẩu của thế giới (chiếm 10,2%), tăng 4,4 lần so với năm 2011 (chiếm 2,3%, với 316 triệu đôi giày được xuất khẩu).
Đáng chú ý, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất (về giá trị), vượt xa Trung Quốc. Sau Việt Nam, Indonesia đứng ở vị trí thứ ba với 366 triệu đôi giày xuất khẩu, chiếm 3% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu. Tăng 1,4% so với thập kỷ trước.
Đức đứng ở vị trí thứ tư với 2,5% và Thổ Nhĩ Kỳ - 2,3%. Đức hiện là nhà xuất khẩu giày lớn nhất châu Âu trong 10 năm qua, vượt Bỉ và Italy.
Diễn biến của giá xuất khẩu trung bình của thế giới cho một đôi giày dép tiếp tục cho thấy xu hướng tăng, với tốc độ tăng trung bình 3,3%/năm kể từ năm 2011. Năm 2020, bất chấp xu hướng tiêu cực của tiêu dùng do đại dịch Covid-19, giá xuất khẩu trung bình của giày dép thế giới vẫn tăng 6%, lần đầu tiên vượt trên 10 USD/đôi.
Triển vọng ở những thị trường chủ lực
Giày dép là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước), với kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,2%/năm trong giai đoạn 2015 – 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu giày dép của Việt Nam giảm 8,3% so với năm 2019, đạt 16,79 tỷ USD.
Bước vào năm 2021, tín hiệu xuất khẩu giày dép hồi phục vào những tháng đầu, thì đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021) đã đẩy nhiều doanh nghiệp da giày vào tình thế khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, thậm chí ngừng sản xuất, trong khi nhiều chi phí tăng cao, nguồn lao động không đảm bảo... Từ cuối tháng 9/2021 tình hình dịch bệnh có cải thiện, nhưng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh.
Ngay từ đầu năm, một số thương hiệu lớn như Nike, Adidas đều bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng đầu tiên của năm 2022, các doanh nghiệp da giày trong nước đã xuất khẩu 390,3 triệu USD giá trị mặt hàng túi xách, ô dù; 1,937 tỷ USD mặt hàng giày, dép. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), đơn hàng xuất khẩu ít nhất đã có đến hết quý II/2022 là cơ sở tốt cho các doanh nghiệp đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhịp độ sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp da giày ở khu vực phía Nam khá tốt.
Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
Trong những năm qua, Mỹ là thị trường nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng giày dép các loại của Việt Nam. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên xuất khẩu giày dép sang thị trường này giảm, nhưng đã tăng mạnh trở lại trong những tháng đầu năm 2021. Mỹ đang tập trung sự bảo vệ các mặt hàng công nghệ cao trong nước nhiều hơn là vào các mặt hàng thiết yếu như giày dép, dệt may vốn không phải thế mạnh của các nhà sản xuất nội địa Mỹ.
Đồng thời, với việc Mỹ dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, hiện Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên các đơn hàng gia công giày dép sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang thị trường EU dần hồi phục trở lại. Giày dép Việt Nam hiện đang có lợi thế so với các quốc gia cạnh tranh như: Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và Campuchia…
Bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, tham gia vào các FTA song phương và đa phương, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh được dự báo sẽ mang lại ưu thế lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác.
Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vắc xin Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ hồi phục nhanh. Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có hàng da giày… sẽ tăng trở lại. Do vậy, việc tận dụng cơ hội nhằm giữ và giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh thời gian tới là hết sức quan trọng.
Trên thực tế, cơ hội lấy lại đà tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của ngành da giày trong năm 2022 được nhận định khá khả quan. Ngay từ đầu năm, một số thương hiệu lớn như Nike, Adidas đều bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam.
Riêng với Nike, theo đại diện Lefaso, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước gia công, sản xuất da giày lớn nhất cho hãng với hơn 50% sản lượng giày. Việc gia công và xuất khẩu cho Nike đang chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, tạo ra việc làm cho khoảng 300.000 lao động. Thương hiệu giày thể thao đình đám này có định hướng tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
(Theo vccinews.vn)