Cổng thông tin điện tử

Ngành da giày túi xách việt nam

  • Bất chấp Covid-19, da giày Việt Nam vẫn giữ phong độ cao, doanh nghiệp có đơn hàng đến cuối năm
  • 30/06/2021

(ĐTTCO) - Bất chấp khó khăn của dịch Covid-19, ngành da giày vẫn đạt mức tăng trưởng 2 con số xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đã có đơn hàng dài hạn.

Nhiều doanh nghiệp da giày đã có đơn hàng đến cuối năm. Ảnh: Báo Công thương

Nhiều doanh nghiệp da giày đã có đơn hàng đến cuối năm. Ảnh: Báo Công thương

Đơn hàng dồi dào trở lại

 Sau thời gian gắng gượng để duy trì hoạt động do bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nay nhiều DN ngành da giày đã tìm được cách duy trì sản xuất, thậm chí không ít DN nhận được nhiều đơn đặt hàng.

“Từ khi dịch Covid-19 xảy ra, nhất là vào giai đoạn bùng phát ở châu Âu, khách hàng thị trường này hủy gần 80% đơn hàng. Số khách hàng ít ỏi còn lại đề nghị trả tiền chậm hoặc yêu cầu giảm giá khiến DN rơi vào khó khăn, gần như tháng nào cũng phải bù lỗ để duy trì sản xuất. Nhưng hiện nay, chúng tôi đã kết nối lại được với bạn hàng và đạt được thỏa thuận cùng chia sẻ khó khăn, lợi nhuận trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nhờ vậy, chúng tôi đủ đơn hàng đến cuối năm”, Giám đốc Công ty TNHH May giày ví da Tân Phát (huyện Hóc Môn, TPHCM) Đặng Văn Ngọc cho biết.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Da, Giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) Nguyễn Đức Thuấn, đơn hàng da giày, túi xách đang dịch chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều. Đây cũng là thời điểm, cơ hội để các DN phục hồi sản xuất, kết nối lại các chuỗi cung ứng.

Đại diện Lefaso cũng cho hay, dù tình hình sản xuất, kinh doanh của tất cả DN trong ngành chưa phục hồi như trạng thái bình thường trước kia, nhưng nhìn chung, nhiều DN giữ được phong độ và vượt qua khó khăn, tận dụng tốt thị trường.

Đơn cử, đầu năm 2020, Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên gặp rất nhiều khó khăn do người dân ở thị trường các nước EU và Mỹ có xu hướng giảm mua sắm; nhiều siêu thị đóng cửa để phòng dịch Covid-19. Dù vậy, bằng nhiều giải pháp quản trị linh hoạt, từ những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Vĩnh Yên có nhiều khởi sắc.

Kết thúc năm 2020, DN đạt doanh thu trên 320 tỷ đồng với 2 triệu đôi giày thể thao. Dự kiến năm 2021, DN đạt doanh số khoảng 380 tỷ đồng.

Nỗ lực chủ động nguồn cung nguyên liệu

Bất chấp đại dịch Covid-19, da giày Việt Nam vẫn giữ phong độ cao ảnh 1

Dây chuyền giày thể thao xuất khẩu tại một công ty ở TP Thủ Đức. Ảnh: CAO THĂNG

Tin vui từ Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu giày dép đạt kim ngạch gần 8,4 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý, hiện sản phẩm này chiếm 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong 5 tháng đầu năm, và đứng thứ 5 về kim ngạch trong số các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam (sau điện thoại, máy vi tính, máy móc, dệt may).

Thị trường truyền thống và lớn nhất của giày dép Việt Nam từ nhiều năm qua lần lượt là Mỹ với kim ngạch 3,35 tỷ USD, EU với 1,92 tỷ USD, Trung Quốc với 830,94 triệu USD.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, ngành da giày có mức tăng trưởng ấn tượng trong thời điểm hiện nay nhờ tận dụng tốt ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA, bằng việc đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tương ứng trong hiệp định này.

Trong quý I-2021, tỷ lệ mặt hàng giày dép xuất khẩu sang thị trường EU có sử dụng C/O mẫu EUR.1 theo EVFTA lên tới 98,98%. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng đưa ra nhận định, tiêu chí xuất xứ cho mặt hàng da giày trong EVFTA tương đối linh hoạt và cho phép nhập khẩu nguyên liệu ngoài khối để sản xuất hàng hóa.

Việc đứt gánh chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua là hồi chuông báo động cho ngành sản xuất da giày trong nước khi phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, để có thể phát triển bền vững và tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan cũng như các cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại, các DN da giày cần tập trung phát triển cân bằng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để phục vụ sản xuất, xuất khẩu trong tương lai.

Trên thực tế, hiện nay nguyên phụ liệu ngành da giày Việt Nam nhập khẩu chính từ Trung Quốc (60%), tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Những năm gần đây, việc chủ động nguyên phụ liệu có sự chuyển biến khá tốt khi các DN đã chuyển dần chuỗi cung ứng sản xuất nguyên phụ liệu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ thực hiện chủ yếu ở DN lớn; còn DN nhỏ và vừa do hạn chế nguồn lực nên chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ.

“Để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, DN mong muốn có sự hỗ trợ về tài chính. Cụ thể, là có cơ chế ưu đãi cho vay tài chính hoặc giảm thuế. Việc giảm thuế cho DN đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ sẽ giúp sản phẩm làm ra cạnh tranh được về giá so với những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như các nước khác. Chúng tôi mong rằng chiến lược phát triển nguyên phụ liệu cần tạo được vùng, khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành công nghiệp da giày”, đại diện Lefaso kiến nghị.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Trưởng phòng Chiến lược và chính sách hội nhập, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương, trong 3.000 DN da giày, chỉ 17 DN có hoạt động thiết kế, 400 DN sản xuất phụ liệu, phụ kiện hoặc gia công các công đoạn trung gian…

Nguyên phụ liệu cho da giày mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu, khiến giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Do đó, công nghiệp hỗ trợ nội địa vẫn là lĩnh vực cần được tập trung phát triển nếu ngành da giày muốn bứt phá mạnh mẽ.

Theo Lạc Phong - https://saigondautu.com.vn/

Tin tức liên quan